Không khí đón Lễ Sen Đôn Ta năm 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ
Lễ Sen Đôn Ta là một trong những lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng với bà con Khmer, là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu đạo đối với tổ tiên, ông bà. Lễ Sen Đôn Ta năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 3/10, nhưng trước đó gần nửa tháng, không khí đã rất rộn ràng, khi mỗi ngày bà con đều đến chùa lễ Phật, dâng cơm cho các vị sư sãi, nhằm hồi hướng phước báu cho những người quá cố
Những ngày này, đến những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng của Lễ Sen Đôn Ta, khi nhà nhà đều dọn dẹp gọn gàng, trang trí bàn thờ tươm tất để chuẩn bị chu đáo nhất cho dịp lễ.
Còn ở các chùa Khmer cũng được bà con phật tử phụ giúp treo cờ phướn, quét dọn khuôn viên, tu bổ, sơn phết… tạo vẻ mỹ quan bắt mắt, kết hợp nhạc ngũ âm được phát ra với âm thanh vừa phải, khiến mọi người vui tươi, phấn khởi.
Chị Lý Hoành Thương, phật tử chùa Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, mấy hôm nay, ngày nào chị cũng đi chùa lễ Phật, dâng cơm cho các vị sư sãi, nhằm hồi hướng phước báu cho tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất.
“Trước khi đem cơm vào chùa, ở nhà tôi thắp hương trên bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên, cầu mong cho gia đình được bình an. Sau đó, tôi đem cơm vào chùa cúng dường cho nhà sư và hồi hướng phước báu cho những người quá cố. Tôi cũng cầu nguyện cho gia đình được hạnh phúc, bà con luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer luôn được gìn giữ và tôi cố gắng lưu truyền để con cháu thế hệ mai sau noi theo” – chị Lý Hoành Thương cho biết thêm.
Tuy Lễ Sen Đôn Ta chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng trước đó gần nửa tháng trời, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình, mỗi ngày bà con đều làm cơm, các món ăn đặc trưng, truyền thống của dân tộc dâng lên cho các vị sư sãi, thành tâm tụng kinh, cầu nguyện nhằm hồi hướng phước báu cho những người quá cố.
Ông Sơn Sết, ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, gia đình ông và bà con xung quanh đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa Hè Thu, qua quan sát, vụ này lúa đạt năng suất khá, giá lúa đang ổn định ở mức cao, nên gia đình ông đón Lễ Sen Đôn Ta năm nay cũng tươm tất hơn, phấn khởi hơn.
Ông Sơn Sết cho biết: “Dù chưa đến ngày thu hoạch lúa nhưng tôi thấy lúa tốt, sẽ đạt năng suất cao, vì thế tôi rất vui mừng. Hiện tại giá lúa cũng tăng, nếu mà được mùa, trúng giá nữa là nông dân phấn khởi lắm. Ngoài lúa ra thì gia đình cũng có thêm thu nhập từ làm vườn và thu nhập từ nguồn khác nữa. Đây cũng là động lực để gia đình tôi và bà con đón lễ Sen Đôn Ta đầm ấm và tổ chức các nghi thức cúng ông bà được trọn vẹn hơn, giữ gìn và phát huy phong tục tập quán của đồng bào mình”.
Lễ Sen Đôn Ta, các thành viên trong gia đình đi làm ăn, học tập ở xa cũng tranh thủ về nhà thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà và đến chùa cúng Phật. Đây cũng là dịp để anh em, bà con gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Em Thạch Thia Ra ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, hiện đang là sinh viên Trường Đại Học Cần Thơ cũng sắp xếp thời gian về đón Lễ Sen Đôn Ta với gia đình. Em bộc bạch: “Dịp này, em tranh thủ về quê. Trước tiên là gặp gỡ ba mẹ, ông bà, những người thân trong họ hàng, kế đến là thắp hương bàn thờ tổ tiên. Rồi vào chùa lễ Phật, cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Từ nhỏ em đã theo ba mẹ, ông bà thường xuyên đi chùa, nhất là những dịp lễ hội của dân tộc mình. Đây là phong tục tốt đẹp cần phải giữ gìn”.
Dịp này chính quyền tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các điểm chùa, các vị sư sãi, achar, những hộ gia đình khó khăn… tạo điều kiện cho tất cả bà con có được một mùa Sen Đôn Ta vui vẻ, ấm cúng.
Xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cũng như mọi năm, dịp Sen Đôn Ta năm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã Bàn Thạch cũng quan tâm, chăm lo cho bà con Khmer trên địa bàn. Qua đó, nhằm động viên bà con phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình...
Về điều này, bà Thị Mỹ Diên Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Thạch cho biết: “Bà con Khmer ở huyện Giồng Riềng nói chung và ở xã Bàn Thạch nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cuộc sống của bà con được nâng lên. Hằng năm, mỗi dịp lễ Sen Đôn Ta, chính quyền các cấp trong tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các chùa trên địa bàn, gia đình chính sách. Riêng xã Bàn Thạch đặc biệt quan tâm, giúp đỡ gia đình đồng bào dân tộc Khmer nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn... để mọi người, mọi nhà cùng đón mừng lễ Sen Đôn Ta với tinh thần vui tươi, đầm ấm và đoàn kết. Tôi mong rằng, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá hơn”.
Lễ Sen Đôn Ta là một lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, với ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện sự hiếu đạo của con cháu, những người còn sống đối với tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất.
Niềm vui được nhân lên, khi dịp này một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống bước vào vụ thu hoạch nông sản, được mùa, được giá nên Lễ Sen Đôn Ta năm nay càng diễn ra trong không khí vui tươi, ấm cúng, phấn khởi hơn.