Rộn ràng trống hội mùa xuân
Mùa xuân đến, Nhân dân các địa phương náo nức, rộn ràng với các hoạt động du xuân, trẩy hội dịp đầu năm mới. Hưng Yên là tỉnh có nhiều quần thể di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống được tổ chức ngay từ những ngày đầu xuân chính là điểm đến để du khách tìm về thưởng thức, khám phá những lớp trầm tích văn hóa đặc sắc.
Lễ hội mùa xuân ở các địa phương trong tỉnh không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 500 lễ hội và phần lớn diễn ra vào mùa xuân. Ðây chính là điểm lý tưởng để mỗi người có thể tận hưởng không khí rộn ràng, vui tươi, tràn đầy hứng khởi, cũng như cầu cho một năm mới ấm no, bình an và hạnh phúc.
Ðặc sắc nhất trong các lễ hội mùa xuân ở tỉnh Hưng Yên có thể kể đến là lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến. Ngay từ những ngày đầu năm mới, các di tích trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến đã đón một lượng lớn du khách đến tham quan, chiêm bái.
Ðồng chí Ðỗ Thị Xuân, Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến cho biết: Từ ngày 29/1 đến 2/2, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến đón khoảng hơn 150 nghìn lượt khách. Ban Quản lý đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức đón tiếp du khách chu đáo, an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân, du khách thực hiện tốt các quy định, ứng xử văn minh khi đi lễ đền, chùa. Ðể bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, trật tự khu vực di tích, thành phố Hưng Yên đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân, tự vệ phân luồng, phân tuyến giao thông; bố trí bãi trông giữ ô tô, xe máy miễn phí nên không xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ, cản trở lưu thông của Nhân dân, du khách.
Một trong những lễ hội lớn được tổ chức sớm nhất ở Hưng Yên là lễ hội đền Phù Ủng, xã Phù Ủng (Ân Thi). Lễ hội được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội đền Phù Ủng không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng Phạm Ngũ Lão mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng. Nét độc đáo của lễ hội đền Phù Ủng là nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công để trình ông và rước về đền Phạm Ngũ Lão để trình cha. Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa...
Cùng với lễ hội đền Phù Ủng, từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, ở các địa phương trong tỉnh, nhiều lễ hội lớn được tổ chức như: Lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu); lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Yên Mỹ); lễ hội đền An Xá (Tiên Lữ)... Các lễ hội đều gắn với câu chuyện về những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, những người có công trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho Nhân dân.
Du xuân ở các vùng quê trong tỉnh, khách thập phương còn được hòa mình vào lễ hội với các trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng của từng vùng như: Múa rồng, múa lân, thi cầu kiều, kéo co, cờ tướng ở lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên); chọi gà, đấu vật, đánh cờ ở đình Thanh Cù, xã Ngọc Thanh (Kim Ðộng); vật lầu ở hội đình Quan Xuyên, xã Nguyễn Huệ (Khoái Châu)… Ở một số lễ hội trong tỉnh còn diễn lại những sự tích gắn liền với nguồn gốc, giai đoạn lịch sử của địa phương như: Tích “Mẹ nghèo chiến thắng hổ dữ” ở lễ hội đền An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ); tích chèo cổ “Tống Trân - Cúc Hoa” ở lễ hội đền Tống Trân, xã Tống Trân (Phù Cừ)…
Ðiểm qua một số lễ hội, địa chỉ du xuân nổi tiếng tại Hưng Yên để du khách thấy được rằng đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, công trình tôn giáo - tín ngưỡng. Ðến với các lễ hội truyền thống nơi đây, du khách sẽ hiểu hơn những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân các thế hệ đi trước, góp phần giữ gìn những phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ron-rang-trong-hoi-mua-xuan-3179047.html