Rong biển - chương trình quốc gia ở Ấn Độ

Ấn Độ đang phác thảo hàng loạt kế hoạch tham vọng nhằm tăng tốc và hiện đại hóa việc sản xuất rong biển.

Xác định đây là loài thực vật thân thiện với khí hậu và có giá trị dinh dưỡng cao, Ấn Độ khởi động chương trình rong biển quốc gia, đặt mục tiêu đẩy mạnh nuôi trồng dọc theo đường bờ biển dài 7.500 km của mình, nhằm nâng sản lượng cả nước từ 30.000 tấn hiện nay lên 1,1 triệu tấn vào năm 2025, theo trang Indian Express.

Ông V. Veeragurunathan, nhà khoa học chính tại Trạm nghiên cứu Tảo hải dương ở thị trấn Mandapam, nhận xét: "Nếu tất cả 9 bang ven biển cùng nuôi trồng, sản lượng rong biển của Ấn Độ sẽ tăng mạnh".

Ấn Độ đã nuôi rong biển làm thực phẩm nhiều thập kỷ qua, nhờ vào điều kiện tự nhiên lý tưởng cho loài thực vật này là khí hậu nhiệt đới, nhiều vùng nước nông... Trái ngược với các loài cây trồng khác, tảo biển không "ngốn" quá nhiều đất hay nước ngọt, do đó chống chịu được những tác động của biến đổi khí hậu.

Nuôi trồng tảo tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Ảnh: UCA NEWS

Nuôi trồng tảo tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Ảnh: UCA NEWS

Theo Polaris Market Research, thị trường rong biển toàn cầu ước đạt 17,85 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng 10% mỗi năm khi các nước ven biển thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh những giá trị về thực phẩm dinh dưỡng, dược phẩm, mỹ phẩm..., rong biển còn khả năng hấp thụ được CO2 trong không khí cũng như trung hòa axít trong đại dương.

Nói cách khác, giới khoa học kỳ vọng rong biển sẽ trở thành giải pháp "rẻ tiền và xanh" giúp làm sạch hành tinh của chúng ta. Nhà hải dương học M. Ganesan chỉ ra rong biển hấp thu CO2 nhiều gấp 5 lần rừng trên cạn.

Không dừng lại ở đó, rong biển là nguồn nguyên liệu thô tiềm năng cho lĩnh vực năng lượng sạch và xử lý môi trường. Rong biển có thể được tinh chế thành nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, nhiều loại nhựa sinh học có nguồn gốc rong biển đã có mặt trên thị trường, nếu sử dụng sẽ không gây ảnh hưởng đến nông sản.

Lợi ích đầy hứa hẹn như thế, song hoạt động sản xuất rong biển cũng đối mặt vô số trở ngại. Đầu tiên và đáng kể nhất chính là tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đại dương, chẳng hạn nuôi trồng rong biển quá mức có nguy cơ tàn phá các rạn san hô. Ngược lại, các loại dịch bệnh - một phần do nhiệt độ đại dương tăng lên - cũng cản trở rong biển sinh trưởng. Ấn Độ đang tập trung cải tiến công nghệ nuôi trồng rong biển, thông qua khoản đầu tư khoảng 86,8 triệu USD của chính phủ.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/rong-bien-chuong-trinh-quoc-gia-o-an-do-20231119201711791.htm