Rộng cửa chọn trường, chọn nghề

Học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề hệ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang là hướng đi được nhiều học sinh THCS lựa chọn.

Vừa học văn hóa, vừa học nghề

Năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 29,5 nghìn học sinh lớp 9. Toàn tỉnh dự kiến tuyển gần 20,2 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10 THPT. Số học sinh còn lại sẽ là nguồn tuyển cho chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Dạy nghề cho học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang).

Dạy nghề cho học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang).

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang bước vào giai đoạn cao điểm tuyển sinh. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2024-2025, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tuyển gần 4,1 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10 chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. So với năm học trước, số học sinh dự kiến tuyển tăng gần 400 em. Ngoài ra, trong tỉnh còn có 3 trường tuyển sinh chương trình vừa học văn hóa, vừa học nghề bậc THPT là: Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp với gần 3 nghìn chỉ tiêu.

Ông Ngô Quốc Đường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT) cho biết: "Theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các em được học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề. Tham gia chương trình này, học sinh tiết kiệm thời gian học tập, được hỗ trợ chi phí học nghề. Sau 3 năm học, các em có cả bằng THPT và bằng trung cấp nghề để có thể vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp".

Thực hiện Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, học sinh, sinh viên tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người không có nguồn nuôi dưỡng được hỗ trợ 400 nghìn đồng/tháng. Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trình độ trung cấp được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, thời gian gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học văn hóa kết hợp với học nghề ngày càng tăng. Nhận thức của xã hội cũng như của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đã chuyển dần theo hướng phù hợp với năng lực của học sinh và nhu cầu thị trường lao động.

Năm học tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa tuyển 765 chỉ tiêu lớp 10 chương trình giáo dục thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đến nay, nhà trường nhận hơn 900 hồ sơ nhưng số học sinh đến nộp hồ sơ vẫn đông. Để phục vụ việc học tập, sắp tới, Trung tâm đưa vào sử dụng tòa nhà 4 tầng gồm 41 phòng học lý thuyết, phòng thực hành nghề, phòng chức năng với tổng trị giá khoảng 34 tỷ đồng. Nguồn tuyển dồi dào là điều kiện để Trung tâm ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo”.

Chương trình đào tạo dành nhiều cho thực hành, thực tập chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN) nên học sinh đáp ứng tốt các tiêu chí kỹ năng nghề, làm việc nhóm. Ngoài ra, nhà trường chú trọng giảng dạy ngoại ngữ cho các em theo hướng giao tiếp thành thạo, dạy thêm một học phần ngoại ngữ chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN.

Nhiều ngành học đáp ứng thị trường lao động

Thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của tỉnh Bắc Giang, ngành GD&ĐT phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với các địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

 Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS trong giờ thực hành may thời trang tại Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn.

Học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS trong giờ thực hành may thời trang tại Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn.

Để thu hút học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn chú trọng mở những ngành nghề mới như: Máy lạnh và điều hòa không khí, sửa chữa ô tô, hàn, điện công nghiệp, bán dẫn. Đây là những ngành nghề trọng điểm được các DN có nhu cầu tuyển dụng. Để tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, nhà trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, cung ứng ứng nguồn nhân lực với nhiều DN như: Công ty TNHH Hana Micron VINA, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên); Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina (Bắc Ninh).

Em Thân Minh Thái vừa hoàn thành chương trình lớp 9 tại Trường THCS Lão Hộ (Yên Dũng) nộp hồ sơ vào học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn cho biết: “Em thấy hiện nay các DN quan tâm nhiều tới tay nghề, trình độ thực tế nên đăng ký vừa học văn hóa, vừa học trung cấp điện công nghiệp. Em sẽ chú trọng vận dụng lý thuyết vào thực hành để sau khi tốt nghiệp thi tuyển vào DN gần nhà bởi nhiều công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lớn”.

Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT được các DN nhận vào làm việc với mức lương bảo đảm. Theo rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 80-90%. Nhiều ngành nghề được DN tuyển dụng 100% như: Nghề kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ ô tô, tự động hóa. Thậm chí nhiều DN thiếu lao động ở một số ngành nghề liên quan đến công nghệ vi mạch, chíp, bán dẫn.

Hiện tỉnh Bắc Giang có hơn 9,5 nghìn DN hoạt động, số lao động làm việc khoảng 306 nghìn người, trong đó hơn 60 nghìn người là công nhân ngoại tỉnh. Năm 2024, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển 112 nghìn lao động; bình quân giai đoạn 2025-2030 cần tuyển 90 nghìn lao động/năm. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới lợi ích của người học và thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thị xã, TP tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là các ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao.

Ngành GD&ĐT chú trọng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh THCS. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường dạy học theo hướng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hình thức tư vấn, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tuyển sinh, liên kết với các DN để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nhân lực giảng dạy phù hợp với công nghệ, kỹ thuật mới của các DN.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/rong-cua-chon-truong-chon-nghe-073259.bbg