Rộng cửa tham gia dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Có ít nhất 3 liên danh trong và ngoài nước đang sẵn sàng tham gia dự án nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch từ TP.HCM tới Tiền Giang từ 4 làn xe lên 6 - 8 làn xe theo phương thức PPP.
Tín hiệu thuận
Cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 10344/BGTVT-KHĐT gửi Ban Quản lý dự án 7 về việc nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Ban Quản lý dự án 7 chính là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương hồi tháng 4/2023.
Trong Công văn số 10344/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và đề xuất phương án triển khai đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe và đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức PPP toàn tuyến theo chỉ đạo mới đây của lãnh đạo Chính phủ.
Ban Quản lý dự án 7 sẽ phải làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. “Trên cơ sở đó tiến hành đề xuất, báo cáo Bộ GTVT phương án triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm tuân thủ Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các quy định khác có liên quan trong tháng 9/2023”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Trước đó, ngày 31/8/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6727/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư PPP toàn tuyến.
Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp, trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng được triển khai thuận lợi nhất có thể.
Cần phải nói thêm, cả hai đoạn tuyến cao tốc nói trên đều thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối TP.HCM với các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô quy hoạch được phê duyệt lên tới 8 làn xe. Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương dài 39,8 km, điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm thuộc địa phận huyện Bình Chánh, điểm cuối tại nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đưa vào khai thác từ tháng 2/2010 với mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc, có bố trí làn dừng khẩn cấp.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được đưa vào khai thác từ tháng 8/2022, nằm trọn trên địa phận tỉnh Tiền Giang, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, giao với Quốc lộ 30. Tuyến được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT theo quy mô mặt cắt ngang 17 m, 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp bố trí cách quãng, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.
Khả năng đấu thầu rộng rãi
Được biết, đến đầu tháng 9/2023, đã có 3 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư gửi đề xuất xin tham gia đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hoặc đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Trung Lương.
Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, trung bình mỗi ngày phục vụ hơn 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc tăng cao đột biến, trong đó ngày cao điểm nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận tới 39.000 lượt xe qua tuyến.
Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị sốt sắng nhất khi chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây đã 2 lần gửi đề xuất tham gia đầu tư toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Tại văn bản gửi Bộ GTVT tháng 8/2023, nhà đầu tư này cam kết sẽ hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong vòng 3 tháng.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên sâu về đầu tư PPP, sẽ định hướng nghiên cứu để không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho Dự án, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng, đồng thời kết nối chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đầu tư giai đoạn I để tránh xung đột về phương án thu phí.
“Chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, đồng thời áp dụng công nghệ BIM ngay từ giai đoạn lập đề xuất dự án (theo quy định tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng)”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết.
Trước đó, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) - Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons - Công ty Xây dựng thương mại Thuận Việt có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tính đến thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài duy nhất gửi đề xuất tới Bộ GTVT là Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC). CHEC chỉ đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe theo phương thức hợp đồng BOT.
“Trong trường hợp 2/3 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nói trên vẫn giữ mong muốn tham gia đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải thực hiện qua đấu thầu rộng rãi. Đồng thời, việc đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Trung Lương sẽ cần nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội”, một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.