Rộng đường về cho người hoàn lương

Để xóa đi mặc cảm, giúp những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng công an đã và đang thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, góp phần hạn chế hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Huyện Yên Thế hiện có 215 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhiều người trong số này đã nhận ra lầm lỗi, quyết tâm làm lại cuộc đời. Cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng, họ vượt qua mặc cảm, từng bước ổn định cuộc sống. Đến thăm gia đình anh N.V.T (SN 1979) ở thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ, chúng tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang trên quả đồi cây trái xanh tốt. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu biệt thự nhà vườn, ngoài sân có hàng cây cảnh được uốn tỉa công phu, toàn bộ diện tích phía sau là chuồng trại chăn nuôi, ao cá.

 Cán bộ Công an và UBND xã Đồng Kỳ (Yên Thế) trò chuyện, động viên anh N.V.T tích cực lao động, sản xuất.

Cán bộ Công an và UBND xã Đồng Kỳ (Yên Thế) trò chuyện, động viên anh N.V.T tích cực lao động, sản xuất.

Anh T kể lại quãng thời gian đáng quên: “Tôi có hai tiền án đều về tội đánh bạc chỉ vì đua đòi ham chơi. Gần đây nhất là năm 2020, tôi bị kết án 9 tháng tù. Những ngày chấp hành án phạt tù, tôi nhận ra mình đã sai lầm, dại dột. Tôi tiếc thời gian và tiền bạc vất vả lao động kiếm được, chỉ vì mải chơi, thiếu suy nghĩ mà phải trả giá đắt. Do cải tạo tốt, tôi được giảm án, 7 tháng sau tôi ra tù. Về nhà, tôi quyết tâm chăm chỉ làm ăn, dứt bỏ thú chơi vi phạm pháp luật”.

Trước đây, gia đình anh có nghề chăn nuôi. Sau khi trở về địa phương, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Với số tiền này cùng khoản tiết kiệm, gia đình anh đầu tư mua con giống lợn, gà. Vợ chồng anh kiên trì lao động sản xuất, hiện nay trong chuồng thường xuyên có 300 con lợn thịt và 4 nghìn con gà. Nhìn nụ cười rạng rỡ của anh T khi trò chuyện với các cán bộ công an và UBND xã Đồng Kỳ, chúng tôi tin rằng cuộc sống của gia đình anh đã trở lại bình yên.

Theo Công an huyện Yên Thế, qua xem xét hồ sơ, hoàn cảnh, có 19 người chấp hành xong án phạt tù được giải quyết vay vốn với tổng số tiền 1,88 tỷ đồng. Những người này khi trở về địa phương đều được công an các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ, thường xuyên giáo dục, răn đe để họ không tái phạm. Chính quyền các cấp tổ chức hướng nghiệp, tạo điều kiện về vay vốn, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm. Các đoàn thể tham gia cảm hóa, động viên để họ xóa đi mặc cảm, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, lực lượng công an cơ sở nếu làm tốt công tác quản lý, quan tâm giúp đỡ những người từng lầm lỗi sẽ giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Được tuyên truyền, giáo dục, họ nhận ra sai lầm của bản thân, xác định quyết tâm không vi phạm pháp luật, mắc vào tệ nạn xã hội. Câu chuyện của anh Đ.V.P (SN 1982) ở thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) là một ví dụ. Do hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm nên anh P hành nghề xe ôm mong kiếm thêm thu nhập, phụ giúp vợ con. Thế nhưng chính nghề này đã khiến anh tiếp xúc với nhiều người nghiện.

Sau những lần chở đối tượng nghiện đi mua ma túy, anh biết các điểm bán. Lâu dần, anh bị đưa vào bẫy, rủ cùng tham gia sử dụng ma túy, rồi anh mắc nghiện lúc nào không hay. Có thời điểm, anh sử dụng ma túy hết tiền triệu mỗi ngày, tiền kiếm bao nhiêu cũng không đủ. Để có ma túy, anh bán hết tài sản và đi trộm cắp của người khác. Vợ con chán nản bỏ đi, một mình anh ở trong căn nhà không còn cả cửa vì đã bị anh tháo ra đem bán. Đỉnh điểm là anh tham gia mua bán ma túy và bị công an bắt quả tang, chịu án phạt tù 7 năm 6 tháng. Cuối năm 2023, được ra tù, ngày về anh hoang mang, không biết cuộc sống sẽ ra sao.

Thiếu tá Nguyễn Bá Tới, Phó trưởng Công an xã Đông Lỗ cho biết, thấy được khó khăn của anh P, Công an xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở tìm cách giúp đỡ. Việc đầu tiên là huy động nhân dân tu sửa lại ngôi nhà cho anh. Chứng kiến bà con không ngần ngại dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, có người tặng đồ dùng, nồi, chảo, phích nước, bộ bàn ghế, anh P rất cảm động. Giờ đây anh được tạo điều kiện đi làm thợ xây, kiếm sống bằng sức lao động chân chính, thôn xóm vì thế cũng được bình yên.

Hiện nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động 210 mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội xuống dưới 2,1%.

Thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có hơn 500 người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá. Các địa phương đã tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho 475 người, hỗ trợ vay vốn đối với 187 người, tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động 210 mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội xuống dưới 2,1%. Đại tá Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể được nâng cao.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Công an tỉnh chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn (lực lượng nòng cốt trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù) quan tâm xây dựng mô hình tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; công an các địa phương phấn đấu 100% người chấp hành xong án phạt tù trở về được tiếp nhận và thực hiện quy trình quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Có giải pháp tư vấn, trợ giúp về pháp lý, hỗ trợ các thủ tục và cấp giấy tờ liên quan đến cá nhân; giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người có nhu cầu.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/rong-duong-ve-cho-nguoi-hoan-luong-103312.bbg