Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 19-26/10: Vàng tăng giá 3 tuần liên tục, giá dầu cũng hồi phục

Kết thúc tuần giao dịch từ 19-26/10, thị trường hàng hóa thế ghi nhận giá vàng tăng tuần thứ 3 liên tiếp, giá dầu cũng phục hồi, trong khi nhiều mặt hàng khác giá giảm như đồng, quặng sắt, thép, đậu tương, đường, cà phê, ca cao, cao su…

Năng lượng: Giá dầu tăng 4%, khí LNG cũng tăng 1,5%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu ổn định vào thứ Sáu (25/10) và tăng 4% trong tuần khi các nhà đầu tư dõi theo xung đột đang diễn ra ở Trung Đông cũng như cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Cụ thể, dầu thô Brent tăng 1,67 USD (+2,25%) lên 76,05 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,59 USD (+2,27%) lên 71,78 USD/thùng trong ngày 25/10. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 4% và dầu WTI tăng 3,7%.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang đổ xô vào USD và đặt cược vào sự biến động gia tăng trước 2 tuần quan trọng tiếp theo dẫn đến cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Mỹ, cũng như cuộc bầu cử ở Nhật Bản và 3 ngân hàng trung ương lớn quyết định về lãi suất, cùng việc Chính phủ Anh trình bày ngân sách mới của mình.

Cả 2 loại dầu đều biến động mạnh trong tuần chủ yếu do xung đột tại Trung Đông gia tăng. Ở nơi khác, các nhà giao dịch tìm kiếm sự rõ ràng hơn về các chính sách kích thích của Trung Quốc, cho dù các nhà phân tích không kỳ vọng các biện pháp như vậy sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu dầu mỏ.

Goldman Sachs hôm thứ Năm đã giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức từ 70-85 USD/thùng đối với dầu Brent vào năm 2025. Bank of America dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng vào năm 2025 mà không cần phải cắt giảm sản lượng của OPEC+ sang năm sau.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên 25/10 do sản lượng thấp và giá khí đốt toàn cầu tăng vọt có thể thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu LNG của nước này.

Cụ thể, giá LNG tháng 11/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 3,8 cent (+1,5%) lên 2,560 USD/mmBtu - cao nhất kể từ ngày 11/10 trong ngày thứ hai liên tiếp.

Các nhà phân tích dự đoán các công ty tiện ích đang trên đà bơm thêm khí vào kho lưu trữ trong tuần này so với bình thường trong tuần thứ hai liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023.

Tập đoàn Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 101,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 10, giảm so với mức 101,8 bcfd trong tháng 9. Con số này so với mức kỷ lục 105,5 bcfd vào tháng 12/2023.

Vì vậy, với thời tiết mát mẻ theo mùa sắp tới, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 95,4 bcfd trong tuần này lên 99,2 bcfd vào tuần tới và 102,4 bcfd trong hai tuần kế tiếp.

Lượng khí đốt chảy vào 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên mức trung bình 13,0 bcfd cho đến nay trong tháng 10, tăng từ mức 12,7 bcfd vào tháng 9. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12/2023.

Kim loại: Vàng tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp; giá đồng, quặng sắt, thép tiếp tục giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần qua 25/10, nhưng vẫn tăng tuần thứ ba liên tiếp do căng thẳng địa chính trị gia tăng thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi palladium tăng tốt nhất trong 3 tuần.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.725,73 USD/ounce do các nhà đầu tư chốt lời sau một đợt tăng kỷ lục. Giá đạt mức cao kỷ lục là 2.758,37 USD/ounce vào 23/10 và tăng 0,2% cho đến nay trong tuần. Giá vàng tương lai của Mỹ cũng giảm 0,4% xuống 2.738,20 USD/ounce.

Trong 3 tháng tới, vàng có thể đạt 2.800 USD/ounce và có thể vượt qua rào cản tâm lý quan trọng 3.000 USD/ounce trong năm nay.

Về các kim loại quý khác, giá palladium giảm 2,1% về 1.133,00 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất 10 tháng vào ngày 24/10 và tăng 5% trong tuần. Giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 33,46 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 vào đầu tuần qua. Giá bạch kim giảm 1,3% xuống 1.013,30 USD/ounce.

Bloomberg News đưa tin Mỹ đã yêu cầu các đồng minh xem xét các lệnh trừng phạt đối với palladium và titan của Nga. Khả năng gián đoạn nguồn cung của Nga xảy ra khi phần còn lại của thị trường đang phải vật lộn để duy trì sản lượng - Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ cho biết.

Giá bạc bắt đầu bắt kịp vàng, được hưởng lợi từ vai trò kép của giá trị tiền tệ và là một kim loại công nghiệp với sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng chóng mặt của quang điện - Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott Asset Management cho biết.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tăng nhẹ trong phiên 25/10, nhưng vẫn kết thúc tuần ở mức thấp hơn sau khi các biện pháp kích thích từ quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc không làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 9.536 USD/tấn, trong khi hợp đồng đồng giao tháng 12/2014 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 0,1% lên 76.600 CNY (10.749,97 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá 2 hợp đồng này đều giảm, trong đó đồng LME giảm tuần thứ tư liên tiếp.

Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng quy mô hỗ trợ cho đến nay vẫn chưa thể xoa dịu nỗi lo về nhu cầu.

Cũng trên sàn LME, giá nhôm giảm 1,7% xuống 2.605,50 USD/tấn, giảm từ mức cao gần 5 tháng đạt được trong phiên trước do lo ngại về nguồn cung nguyên liệu thô; kẽm giảm 1,4% xuống 3.130 USD/tấn, nhưng vẫn tăng trong tuần sau khi đạt mức cao nhất trong 20 tháng vào ngày 24/10 do nguồn cung hạn hẹp trong thời gian ngắn; nikel giảm 0,4% xuống 16.230 USD/tấn; chì giảm 0,2% xuống 2.070 USD/tấn và thiếc giảm 0,4% xuống 31.000 USD/tấn.

Trên sàn SHFE, giá nhôm giảm 1,2% về 20.785 CNY/tấn; kẽm giảm 0,4% về 25.245 CNY/tấn; thiếc giảm 0,4% về 253.750 CNY/tấn; trong khi giá nikel tăng 0,3% lên 126.310 CNY/tấn và chì tăng 0,2% lên 16.790 CNY/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, hợp đồng quặng sắt tháng 1/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 1,39% lên 746,5 CNY (104,91 USD)/tấn. Tuy nhiên, giá quặng sắt chuẩn tháng 11/2024 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,14% lên 98,85 USD/tấn.

Báo cáo sản xuất từ các công ty khai thác lớn cho thấy họ đã vượt qua tình trạng gián đoạn nguồn cung để tăng sản lượng trong những tháng gần đây, trong khi sản lượng thép đang giảm, các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một lưu ý.

Fortescue của Australia - công ty khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, công bố mức tăng 4% trong các lô hàng quặng sắt trong quý đầu tiên trong ngày 24/10, nhưng ghi nhận giá thực tế giảm.

Các số liệu này theo sau ước tính sản lượng cao hơn dự kiến từ các công ty khai thác hàng đầu khác, bao gồm BHP và xuất hiện vào thời điểm các đối thủ như Vale và Rio Tinto đang có động thái mở rộng nguồn cung.

Dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy, sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm xuống 77,1 triệu tấn vào tháng 9, tức giảm 6,1% so với tháng trước đó và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu từ Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho thấy, sản lượng thép thô nước này trong tháng 9 giảm 3,6% so với tháng 8 và giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Tư vấn Mysteel, trừ khi sản lượng của Nhật tăng trong những tháng tới, tổng sản lượng cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2025 có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.

Các nhà phân tích của Westpac cho biết, khả năng sẽ có ít sự hỗ trợ hơn nữa cho quặng sắt khi thông báo về các biện pháp kích thích của Trung Quốc kết thúc.

Nông sản: Đậu tương giảm giá, đi ngược với ngô và lúa mì

Giá ngô trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đi lên trong phiên 24/5 khi doanh số xuất khẩu của Mỹ bùng nổ. Đây là phiên tăng giá thứ tư liên tiếp.

Doanh số bán ròng ngô vụ cũ và mới đạt tổng cộng 4.183.777 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 17/10 - vượt qua kỳ vọng của giới kinh doanh và đánh dấu tuần bán ngô xuất khẩu lớn nhất của Mỹ kể từ tháng 5/2021, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Kết thúc phiên này, giá ngô tăng 2-1/2 cent lên 4,21-1/2 USD/bushel; lúa mì cũng tăng 3 cent lên 5,81-1/2 USD/bushel. Tuy nhiên, hợp đồng đậu tương hoạt động tích cực nhất lại giảm 1-1/4 cent xuống 9,96-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cà phê, ca cao, cao su cùng giảm giá, ngoại trừ dầu cọ

Giá đường thô trên sàn ICE giảm trong phiên cuối tuần qua (25/10) khi thị trường phản ứng tiêu cực với số liệu sản xuất đường tốt hơn dự kiến từ Brazil. Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 0,66 cen (-0,3%) xuống 22,14 US cent/lb và ít thay đổi trong tuần. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,6% xuống 566,2 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, dữ liệu sản xuất của Brazil theo nhóm công nghiệp UNICA khiến giá giảm. Hỗn hợp đường (là lượng nhà máy mía sử dụng để sản xuất đường so với ethanol) tăng 48,7% - cao hơn dự kiến và điều này dẫn tới việc nhà đầu tư bán ra khiến giá giảm.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 74 USD (+1,7%) lên 4.411 USD/tấn, sau khi trước đó chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8 là 4.296 USD, nhưng vẫn giảm 4% trong tuần. Tương tự, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,2% lên 2,484 USD/lb, nhưng cả tuần giảm 3,4%.

Giá cà phê tại Việt Nam - quốc gia sản xuất robusta hàng đầu thế giới, đã giảm trong tuần với nhu cầu vẫn yếu do các thương nhân vẫn thận trọng. Tuy nhiên, các đại lý lưu ý rằng, lượng mưa trong tháng 10 đã giảm xuống dưới mức trung bình, thấp hơn mức lý tưởng cho sự phát triển của cây trồng.

Giá ca cao New York tháng 12/2024 tăng 14 USD (+0,2%) lên 6.770 USD/tấn trong phiên 25/10, sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 8 tháng là 6.426 USD/tấn, nhưng vẫn ghi nhận lỗ 9% trong tuần. Giá ca cao London tháng 3/2025 cũng tăng 1,5% lên 4.816 pound/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 2 tuần trước đó là 4.619 pound/tấn.

Theo nhà phân tích Wang Tao của Thomson Reuters, các tín hiệu giao dịch kỹ thuật cho thấy hợp đồng ca cao tháng 12/2024 có thể giảm xuống mức 6.250 USD/tấn. Sau những trận mưa lớn ở nhiều nơi tại Bờ Biển Ngà, các nhà đếm quả và xuất khẩu bắt đầu hạ dự báo sản lượng cho vụ ca cao chính do tỷ lệ hoa và quả chín cao sau đợt kiểm đếm tháng 10.

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp và ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 7 tuần, khi thị trường bớt lo ngại về nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Thái Lan do triển vọng thời tiết tốt lên.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 3/2025 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 13 JPY (-3,37%) xuống 372,7 JPY (2,45 USD)/kg trong phiên 25/10 và giảm 5,2% trong tuần - mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ ngày ngày 6/9. Hợp đồng cao su tháng 1/2025 trên sàn SHFE giảm 275 CNY (-1,52%) xuống 17.760 CNY (2.493,12 USD)/tấn và giảm 0,69% trong tuần.

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm vào thứ Sáu (25/10) khi Ấn Độ ngừng mua, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần cao nhất trong hơn 16 tháng.

Cụ thể, hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 70 ringgit (-1,52%) xuống 4.533 ringgit/tấn. Hợp đồng này đã chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng giá trước đó, nhưng cả tuần vẫn tăng 6,53% - mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-19-2610-vang-tang-gia-3-tuan-lien-tuc-gia-dau-cung-hoi-phuc-post356836.html