'Rồng lửa' S-500 của Nga có thể chống lại tên lửa ATACMS?

Truyền thông Ukraine đưa tin, hệ thống tên lửa S-300 và S-400 tỏ ra không hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ATACMS của Ukraine nên Nga đang tìm cách lật ngược tình thế bằng S-500 mới nhất.

Ngày 12/6, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov tiết lộ Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-500 ở Crimea như một phần trong nỗ lực tăng cường "chiếc ô phòng không" của Nga trên bán đảo.

Động thái này diễn ra sau khi Ukraine liên tục tấn công các hệ thống phòng không của Nga trên bán đảo Crimea bằng tên lửa tác chiến chiến thuật tầm xa ATACMS.

Tờ Defense Express, nhắc lại rằng, chỉ trong ba ngày đầu tuần này, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine xác định hai cuộc tấn công vào các vị trí của S-300 và S-400 của Nga ở Crimea, lần lượt vào các ngày 10 và 12/6, không chỉ phá hủy các bệ phóng của hệ thống phòng không mà ngay cả radar của các hệ thống này cũng bị vô hiệu hóa.

Theo các nhà phân tích quân sự, trước những cuộc tấn công dữ dội từ ATACMS, Nga buộc phải đưa "con át chủ bài" S-500 vào trực chiến. Và điều này đã đặt ra câu hỏi: Hệ thống tối tân của Nga liệu có hạ gục được tên lửa đạn đạo ATACMS?

Các chuyên gia chỉ ra rằng, S-500 Prometheus đại diện cho thành tựu mới nhất trong lĩnh vực quốc phòng của Nga. Hệ thống phòng không này có khả năng tấn công mục tiêu ở độ cao 200 km, phạm vi lên tới 600 km, giúp chống lại hiệu quả không chỉ các mối đe dọa khí động học mà còn cả các mối đe dọa trong không gian, bao gồm vệ tinh ở quỹ đạo thấp.

Một thế hệ tên lửa phòng không và chống tên lửa mới đã được phát triển dành riêng cho S-500. Theo thông tin công khai, tên lửa được hệ thống sử dụng bao gồm: Tên lửa đánh chặn 77N6-N và 77N6-N1 cùng với tên lửa phòng không 40N6M.

Về bản chất, 77N6-N1 là phiên bản cải tiến của tên lửa 9M82 từ hệ thống phòng không S-300V, có tầm bắn được công bố là 500–600 km. Tuy nhiên, tên lửa khó có khả năng tấn công các tên lửa của hệ thống Patriot, THAAD hoặc SAMP/T. Thay vào đó, tên lửa đánh chặn của Nga dựa vào vụ nổ ở cự ly gần và mảnh vỡ của nó sẽ gây sát thương cho tên lửa đạn đạo đang bay tới đủ để phát nổ.

Về khả năng, 77N6-N1 có thể so sánh với dòng tên lửa PAC-2 của Patriot. Chính điều này đã thúc đẩy Mỹ phát triển và thực hiện một chương trình tên lửa mới với công nghệ "hit-to-kill" (tìm kiếm- tiêu diệt), tên lửa này còn được gọi là PAC-3.

Các chuyên gia nhận định, tên lửa của hệ thống S-500 của Nga do không có tính năng tìm kiếm - tiêu diệt nên khó có thể trở thành "nhân tố thay đổi cuộc chơi", bảo vệ hệ thống phòng không và các cơ sở quân sự quan trọng của Nga khỏi mối đe dọa tấn công ATACMS vào Crimea. Tuy nhiên, với các thành phần hệ thống và thiết bị đánh chặn được nâng cấp, nó có thể hiệu quả hơn so với các hệ thống S-300/400 hiện đang được triển khai ở đó.

Quỳnh Như

Theo Defense Express

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/rong-lua-s-500-cua-nga-co-the-chong-lai-ten-lua-atacms-post1646481.tpo