Rộng mở cơ hội tại thị trường lao động ngoài nước
Thị trường lao động ngoài nước đang rộng mở đối với Việt Nam khi nhu cầu tuyển dụng và số lượng lao động Việt Nam sang các quốc gia tăng đều mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động 'xuất khẩu lao động' đang gặp một số bất cập cần kịp thời tháo gỡ liên quan đến trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động (NLĐ).
Nhiều cơ hội việc làm
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không những góp phần thúc đẩy công tác đối ngoại, giao lưu văn hóa mà còn giải quyết vấn đề công ăn việc làm, tăng thu nhập và phát triển nguồn nhân lực.
TP.HCM là địa phương có tiềm năng lớn về “xuất khẩu lao động” khi có nguồn cung lao động dồi dào, nhiều chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM cho biết: Trên địa bàn Thành phố có 70 doanh nghiệp (DN) có giấy phép đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các DN đưa từ 10.000 - 14.000 người đi làm việc ở nước ngoài; từ năm 2020 cho đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh.
Về thu nhập, bình quân hàng tháng NLĐ nhận được khoảng từ 15 - 28 triệu đồng. Tuy nhiên, đa số NLĐ đi làm việc tại nước ngoài là lao động chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông, làm công việc giản đơn, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.
Theo ông Đỗ Minh Hoài, Trưởng ban Quản lý lao động, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc: Trong 10 tháng đầu năm 2023, các DN đã kết nối, đưa được hơn 50.000 người Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Tính đến cuối tháng 10/2023, người lao động Việt Nam chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài ở Đài Loan (Trung Quốc).
Một thị trường lao động nhiều tiềm năng khác là Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản: Hiện có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại đây. Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản được đánh giá cao về khả năng tiếp thu, học hỏi và sự chăm chỉ.
Tương tự, bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Hiện có trên 65.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 22% số người Việt đang ở Hàn Quốc. Gần đây Hàn Quốc nhận được nhiều đơn hàng trong ngành đóng tàu nên cần thêm lao động ở lĩnh vực này.
“Thị trường lao động Hàn Quốc rất rộng mở với người lao động Việt, nhất là khi Việt Nam có tới gần 74 triệu người trong lực lượng lao động, trong đó 40% có thể đi làm việc ở nước ngoài”, bà Tạ Thị Thanh Thúy cho biết thêm.
Nâng cao ý thức kỷ luật cho NLĐ
Tiềm năng “xuất khẩu lao động” là vậy nhưng nhìn chung nhiều NLĐ Việt Nam vẫn còn gặp “rào cản” về ngoại ngữ, chuyên môn và nhất là ý thức kỷ luật. Theo ông Đỗ Minh Hoài, Trưởng ban Quản lý lao động, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc): Hiện nay vẫn còn khoảng 55.000 người lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp và làm việc ngoài hợp đồng tại Đài Loan (Trung Quốc). Tình trạng này khiến công tác bảo hộ công dân gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng bậc trung, Đài Loan (Trung Quốc) đã thông qua chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật bậc trung. Chương trình này cho phép lao động nước ngoài làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, thủy sản, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ xã hội có thể cư trú dài hạn. Dự báo số lượng lao động trình độ bậc trung của Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, theo bà Daisy Nguyễn Lê Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc Việt, Giám đốc Công ty DSS Education: Năm nay có tới 36% số ngành nghề của Úc thiếu lao động có trình độ. Điều này khiến Chính phủ Úc phải tăng cường các giải pháp thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài. Đây là cơ hội rất lớn cho sinh viên và lao động trẻ Việt Nam đến Úc làm việc thông qua các chương trình du học, làm việc định cư.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm việc “chui” là do NLĐ bị xúi giục, muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, việc kết nối lao động bất hợp pháp tồn tại rất lâu nhưng chính quyền sở tại chưa mạnh tay xử lý. Trong khi đó, số lượng cán bộ làm công tác bảo hộ công dân Việt Nam cũng rất mỏng so với số lao động hiện có.
Dưới góc độ DN, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Esuhai cho biết: Hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn khi một số NLĐ vẫn coi hoạt động đi làm việc ở nước ngoài chỉ là đi “xuất khẩu lao động”, chỉ dành cho người nghèo, người thất nghiệp, đi chỉ để kiếm tiền mà không có mục đích, kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp về sau.
“Với tâm lý và mục đích đi làm việc ở nước ngoài như vậy đã dẫn đến việc NLĐ không có động cơ, động lực để học, để vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình đi làm việc, học tập ở nước ngoài. Hệ quả khi về nước, chính họ và gia đình họ vẫn tiếp tục khó khăn trong công việc, trong cuộc sống và tiếp tục thất nghiệp, tạo áp lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp cơ sở”, ông Lê Long Sơn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người đi “xuất khẩu lao động” chưa đồng bộ ở các tỉnh, thành; công tác giải quyết việc làm cho NLĐ về nước cũng chỉ mới dừng lại ở chủ trương mà chưa có chương trình hành động cụ thể. Do đó ông Lê Long Sơn kiến nghị Chính phủ cần định vị rõ hơn hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó cần có lộ trình nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao chất lượng của dịch vụ “xuất khẩu lao động”, đặt ra mục tiêu quốc gia liên quan đến hoạt động “xuất khẩu lao động” về số lượng, ngành nghề, thị trường, mục tiêu…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/rong-mo-co-hoi-tai-thi-truong-lao-dong-ngoai-nuoc-163650.html