Rong ruổi mùa nhặt trứng vịt đồng

Trên những cánh đồng trơ gốc rạ rộng mênh mông ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp… những người chăn vịt đồng lấy trứng vẫn cần mẫn với công việc của mình. Ở đó, họ cùng đàn vịt rong ruổi từ ngày này qua ngày khác, từ mùa khô cho tới mùa mưa…

Anh Rin cùng đàn vịt chạy đồng của mình.

Anh Rin cùng đàn vịt chạy đồng của mình.

“Du mục” trên đồng

Gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng lấy trứng đã hơn chục năm nay, anh Nguyễn Văn Rin, 41 tuổi ở xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết, hiện giờ anh đang có hơn 2.500 con vịt đẻ lấy trứng.

“Tôi quê ở tỉnh Quảng Nam nhưng theo gia đình vào trong này lập nghiệp từ sớm. Riêng nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng này thì tôi đã gắn bó được khoảng 12 năm rồi.

Nghề này rất vất vả vì cứ liên tục phải di chuyển. Tôi cùng đàn vịt gần như không bao giờ ở chỗ nào quá một tháng. Cứ rong ruổi như mấy người du mục vậy. Từ những cánh đồng ở Thông Bình, Tân Thành rồi bên Hưng Điền, Gò Pháo… Có lúc chạy xuống tới dưới Vĩnh Châu, Tân Công Sính nữa. Chỗ nào có kênh rạch, đồng hoang là lùa vịt tới thôi”, anh Rin cho biết.

Theo anh Rin, để “quản lý” được đàn vịt anh phải thuê thêm 2 người nữa và có cả vợ phụ giúp chuyện bếp núc. Sau khi chọn được cánh đồng thích hợp, anh sẽ cắm trại đơn giản giữa đồng và quây rào cho vịt ở bên cạnh. Ban ngày các anh chia ca để chăm sóc đàn vịt, canh chừng chúng di chuyển để tránh lạc đi nơi khác.

“Vịt đẻ trứng có thể bay được rất xa nên canh chừng rất cực, không như nuôi vịt thịt đâu. Đặc biệt hơn nữa là phải đi nhặt trứng của chúng. Mặc dù phần lớn vịt sẽ đẻ vào buổi tối tại rào quây nhưng vẫn có một số con đẻ rơi rớt trên đồng. Như đàn vịt nhà tôi, ngày nào cũng có tới hai chục trứng rơi rớt đâu đó. Nếu mình không nhặt thì rất phí và mất một khoản không hề nhỏ”, anh Rin chia sẻ.

Ngồi trong chiếc lán trại dựng sơ sài bằng mấy cây cọc cừ tràm đóng xuống ruộng, chúng tôi thấy đồ đạc trong trại không có gì nhiều ngoài tấm chăn mền và mấy chiếc chén bát, bếp ga mini đặt trong góc. Anh Rin bảo mặc dù đàn vịt rong ruổi trên những cánh đồng biên giới suốt tháng này sang tháng khác nhưng ngày nào anh cũng phải chạy xe gắn máy về nhà.

“Nhà tôi ở bên Tân Hộ Cơ, cách đây khoảng gần chục cây số thôi. Sáng tôi chở trứng vịt về nhà rồi đem đồ ăn, đồ uống với cả cám cho vịt nữa. Hôm nào có việc thì bà xã từ nhà mang đồ ra rồi chở trứng vịt về. Bây giờ mùa khô nên cũng đỡ chứ ít nữa mưa tới, chạy vịt đẻ cực lắm mà còn bị hao trứng nữa”, anh Rin than thở rồi cho biết thêm, thông thường tỉ lệ cho trứng của vịt là khoảng từ 45 - 60% số lượng đàn.

Nghĩa là nuôi một trăm con vịt thì mỗi ngày có thể thu hoạch từ 45 - 60 trứng. Tỉ lệ cho trứng cũng tùy thuộc vào thức ăn, thời tiết và vụ thu hoạch lúa nữa.

Tháng trước thì vịt cho trứng nhiều hơn vì nông dân ở đây vừa thu hoạch vụ đông xuân xong, lúa rơi vãi nhiều, đồng ruộng cũng bỏ nên vịt có nhiều cái ăn hơn, bên cạnh thức ăn mình cho. Nhưng tháng này nông dân quây ruộng, xuống giống rồi nên phải lùa đàn ra kênh, ruộng hoang ít chỗ kiếm ăn hơn khiến cho tỉ lệ trứng cũng giảm nhiều.

Nhặt trứng vịt đồng lúc sáng sớm.

Nhặt trứng vịt đồng lúc sáng sớm.

Vất vả nhưng... vui

Người cháu của anh Rin tên Minh Tú, mới 16 tuổi nhưng đã có “thâm niên” hơn 1 năm rong ruổi cùng đàn vịt. Minh Tú kể hiện sống cùng ông bà nội còn cha mẹ lên trên Bình Dương, đem theo hai người em nhỏ. Mấy năm trước cha mẹ muốn cho cậu học ở Bình Dương rồi đi làm công nhân nhưng Minh Tú thích về quê sống.

“Chạy vịt đồng cũng cực nhưng nhiều cái vui hơn ở trên khu nhà trọ. Em làm cùng chú Rin mấy năm, khi lớn em muốn gây đàn vịt của riêng mình. Ở đây nhiều người nuôi vịt đẻ chạy đồng lắm. Mình chỉ cần chăm sóc tốt thì chúng sẽ cho trứng mà thôi”, Minh Tú cười cho biết.

Theo chia sẻ của Tú, ngoài việc canh đàn vịt để chúng không đi quá xa thì vất vả nhất là phải thức dậy từ khá sớm để nhặt trứng vịt. Theo đó, thường khoảng 4 giờ sáng hai chú cháu sẽ thức dậy để nhẹ nhàng nhặt từng trái trứng mà đàn vịt đẻ từ tối hôm trước. Việc này thường diễn ra lúc sáng sớm khi đàn vịt vẫn còn chưa thức dậy bởi nếu mặt trời lên, vịt sẽ di chuyển nháo nhác, thậm chí chạy giẫm đạp dễ bị hư vỡ trứng. Sau khi nhặt trứng, anh Rin sẽ xếp chúng cẩn thận vào giỏ để chở về nhà rồi đem đồ ăn thức uống trở lại lán trại.

Thành quả của những người chăn vịt đồng.

Thành quả của những người chăn vịt đồng.

Nhưng không chỉ có sự vất vả, theo chia sẻ của Minh Tú thì niềm vui nhất của em là được nhặt trứng vịt rơi vãi trên đồng. Dù phần lớn trứng vịt đẻ đều ở trong rào quây buổi tối nhưng vẫn còn khá nhiều trứng rơi rớt trên ruộng, thậm chí cả dòng kênh mà không ai biết.

Và có sự quy định rằng cứ nhặt được 2 trái trứng trên đồng thì Minh Tú sẽ được giữ lại 1 trái. Đó là lý do ngoài tiền lương, mỗi tuần cậu được về thăm ông bà nội 1 ngày là mang về rất nhiều trứng.

“Có ngày em nhặt được gần hai chục trứng đó. Trứng nằm rải rác khắp nơi. Còn anh Ba (người làm thuê cho Rin) cũng nhặt được nhiều trứng lắm bởi anh thường đi theo đàn cả ngày mà. Em nhặt trứng buổi sáng xong thì nấu đồ ăn rồi nghỉ, tới trưa mới chạy ra phụ thôi”, Minh Tú chia sẻ thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, dù lán trại nằm không xa các khu dân cư, đường sá ở vùng biên giới nhưng cuộc sống của những người nuôi vịt chạy đồng gần như biệt lập với những người khác. Bởi họ thường lùa đàn, dựng lán trại ở những nơi hoang vắng ít người qua lại. Do vịt đẻ là loài rất sợ tiếng động ban đêm.

Chúng sẽ nháo nhác chạy nhảy làm vỡ, hư hại trứng vịt nếu buổi tối có những tiếng động mạnh. Đó là nguyên nhân những nơi càng hoang vắng lại càng thích hợp để dựng lán trại, quây đàn vịt đẻ buổi tối.

Trong những ngày tìm hiểu về cuộc sống của người chạy vịt đồng ở miền biên giới nơi đây, chúng tôi thấy lạ là những chủ đàn thích mùa khô hơn là mùa mưa. Giải thích về điều này, anh Rin cho biết mặc dù mùa mưa thường giúp cho vịt có nhiều thức ăn, không gian sống dễ dàng nhưng lại chỉ thích hợp với người nuôi vịt thịt. Còn với người nuôi vịt đẻ thì mùa mưa sẽ khiến họ thất thoát rất nhiều trứng bởi khi thức ăn dồi dào, vịt sẽ đẻ sai lệch giờ giấc (ban đêm) khiến trứng bị rơi vãi trên đồng nhiều.

Ngoài ra, mùa mưa nước tràn về cũng làm cho trứng bị khuất lấp, mất mát nhiều hơn. Đó là nguyên nhân khi mưa nhiều, những người nuôi vịt đẻ thường chỉ thả đàn trong vài giờ đồng hồ rồi quây chúng lại hoặc cho vịt “nghỉ ngơi” khoảng 1-2 tháng, giảm tỉ lệ đẻ trứng cho đến khi thời tiết thuận lợi hơn.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rong-ruoi-mua-nhat-trung-vit-dong-10280225.html