Rong ruổi xứ Cùa

Cho đến thời nay thì xứ Cùa không còn xa lạ với người dân Quảng Trị, thậm chí kể cả nhiều nơi khác. Dù vậy để hiểu về vùng đất này không phải là chuyện ngày một ngày hai. Bởi lẽ xứ sở một thời khá biệt lập này còn ẩn chứa trong mình nhiều điều lý thú chưa thể nào nói hết và cần tiếp tục khám phá, mà ngay cả với nhiều người dân bản địa, nhất là lớp trẻ, khi chạm đến chiều sâu của đất và người nơi đây nhiều lúc cũng không khỏi ngỡ ngàng.

 Nhà rường cổ ở Cam Lộ Phường, Cam Nghĩa, Cam Lộ. Ảnh: PXD

Nhà rường cổ ở Cam Lộ Phường, Cam Nghĩa, Cam Lộ. Ảnh: PXD

Tên Cùa mang âm hưởng của tên Nôm một chữ vẫn chờ đợi các nhà nghiên cứu lịch sử hay địa danh học bỏ công tìm tòi, khảo sát để giải mã, cũng như cần lý giải một hiện tượng khá thú vị về mặt dân tộc học. Đó là trong lúc ở phía dưới thấp hơn và gần đồng bằng hơn lại tồn tại từ xưa bản làng của dân tộc Vân Kiều, trong lúc ở xứ Cùa dù ra đời rất sớm lại gần núi xa sông, đường đi trở ngại nhiều bề lại chỉ có dân tộc Kinh cư trú.

Xứ Cùa không phải là vùng đất mới mà đã được hình thành từ thưở xa xưa, theo tài liệu khảo cổ học cho biết: Dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở - vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá quacdit có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hóa Sơn Vi (niên đại từ 2 đến 3 vạn năm về trước). Về mặt địa hình, địa chất thì vùng đất này gần như là một thung lũng có hình lòng chảo, hầu như bốn bề núi non bao bọc, đất đỏ ba dan, được hình thành từ sự vận động xa xưa của núi lửa. Xứ Cùa ngày xưa thì diện tích không lớn, ngày nay khai phá thêm có diện tích hơn 110 km2 . Xã trước đây có 14 thôn, nay vừa sáp nhập một vài thôn thì danh xưng hành chính đôi chỗ cũng thay đổi theo.

Về mặt danh xưng hành chính thì xứ Cùa là một phần của vùng quê Cam Lộ nên phụ thuộc tùy theo từng thời điểm lịch sử. Như tên gọi của Cam Lộ có khi là nguồn, khi là đạo, lại có khi là phủ. Dưới thời nhà Nguyễn, theo “Đồng Khánh dư địa chí” năm 1886- 1887 thì tổng Mai Lộc của Cam Lộ có thể gọi là Tổng Cùa vì ôm trọn xứ Cùa và một vài nơi khác. Tổng Mai Lộc có 21 xã, thôn, phường.

Ngày xưa xứ Cùa xa xôi, diệu vợi và gần như biệt lập, xa hơn cả nơi mà Lê Quý Đôn từng gọi là thượng du Cam Lộ là những thôn xóm ở trung tâm huyện lỵ Cam Lộ hiện nay, dưới chân đèo Cùa, còn có người gọi là đèo Con Cui. Ngày trước, đây gần như là con đường độc đạo lên Cùa dù bốn phía Cùa còn giáp nhiều vùng đất khác. Một câu ca xưa, có thể là dị bản của một câu ca khác: “Tham công lên cắt côi Cùa/ Một ngày ba bữa cũng thua ở làng”. Đi cắt là đi gặt lúa, dù công có cao thì theo câu ca, xa xôi cách trở, đi về vất vả mất thời gian, cũng không bằng ở làng, tức ở đồng bằng. Chính vua Hàm Nghi từ Kinh thành Huế ra sơn phòng Tân Sở của xứ Cùa để kháng Pháp cũng đi qua đèo Cùa. Con đèo ngày nay đường nhựa quanh co uốn lượn độ dài có tám cây số từ chân đèo vào đến địa phận xã Cam Chính nhưng ngày xưa là một thử thách không nhỏ về mặt giao thông. Khi ấy đường đất nhỏ hẹp, núi rừng hiểm trở, muông thú hại người rình rập. Ngày nay đèo Cùa như một dải lụa quanh co dẫn dắt người gần xa đến với miền sơn cước từng lừng danh trong lịch sử. Sự thay đổi của con đường giao thông huyết mạch này đã tạo nên cú hích quan trọng bậc nhất thay đổi diện mạo về mọi mặt đối với xứ Cùa.

Qua khỏi đèo Cùa chúng ta sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ với những tên đất tên làng nghe thân thương, đặc biệt là có quan hệ mật thiết với miền xuôi phía dưới của tỉnh Quảng Trị. Chẳng hạn như tên gọi của làng Cam Lộ Phường được sinh thành từ vùng quê có mẫu số chung là địa danh Cam Lộ. Đây cũng là cửa ngõ xứ Cùa thuộc xã Cam Nghĩa về phía tây nam nếu từ phía dưới xuôi lên theo con đường thượng đạo xuyên sơn rồi rẽ trái đoạn quá chợ phiên Cam Lộ. Câu chuyện với người cao niên về quê hương nguồn cội xứ Cùa vẫn còn gắn bó với những vật dụng tưởng như xưa cũ của cây tre Quảng Trị-Việt Nam.

Ông Võ Văn Đào, tuổi ngoài tám mươi ở thôn Cam Lộ Phường, xã Cam Nghĩa kể chuyện tổ tiên của mình vốn xưa ở ngoài Gio Linh, sau vào gần chợ phiên Cam Lộ tìm vùng đất mới, thấy Cùa đất đai màu mỡ, dân cư thưa thớt nên quyết chọn mảnh đất này để đời đời an cư lạc nghiệp. Còn ông Lê Văn Kính cũng hàng xóm ông Võ Văn Đào thì luôn miệng tự hào về xứ Cùa ngọt mít thơm tiêu và nói như đinh đóng cột về giá trị của nhà rường cổ làm bằng gỗ mít. Ông còn nói thêm cần phải giữ gìn bản sắc này trên mỗi làng quê.

Không chỉ có Cam Lộ Phường, nhiều làng quê khác có quan hệ mật thiết với miền xuôi như Mai Đàn, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Quật Xá, Đồng Lai và nhiều nơi khác nữa ở Cùa. Những xóm làng trập trùng, quanh co lúc ẩn, lúc hiện dưới màu nắng chói chang và cả khói sương mùa xuân vẫn dùng dằng ở lại với xứ Cùa. Núi đồi nhấp nhô xen lẫn với suối khe mải miết chảy đêm ngày là những chấm phá của bức tranh thủy mặc của một vùng quê khá đặc biệt này.Tiếng là miền núi nhưng xứ Cùa vẫn có những cánh đồng lúa khá rộng và diện tích lúa nước đáng kể, ngày xưa có thể tự túc về lương thực và tích lũy nên chuyện thuê người dưới đồng bằng đã đi vào văn học dân gian Quảng Trị như đã nhắc ở đoạn trước. Cùa không có sông nhưng bù lại có nhiều khe suối và hồ nước, một trong những yếu tố thủy văn cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày và sản xuất nông nghiệp của cư dân ở đây từ bao đời nay. Những hồ nước này đã góp phần làm dịu mát đất đai con người vào mùa hè và phân lũ khi mùa mưa dầm dài lê thê có khi tưởng chừng như không dứt.

Đến Cùa mà không đến chợ Cùa sẽ là một thiếu sót. Qua khỏi đèo Cùa đi thẳng sẽ đến ngôi chợ tồn tại đã mấy trăm năm tạo nên một điểm nhấn trong bức tranh non nước xứ này. Nếu chợ là chiếc gương soi kinh tế xã hội và cả văn hóa của một vùng quê thì chợ Cùa còn hơn thế nữa. Bởi vì Cùa xưa kia là vùng đất khá cách biệt với thế giới bên ngoài vì những trở ngại về giao thông, đời sống nặng về tự lập nên chợ càng trở nên quan trọng. Chợ hôm nay hàng hóa đương nhiên phong phú hơn ngày xưa, ngoài những nông sản quen thuộc thì “thượng vàng hạ cám” cho nhu cầu của người dân quê đều có cả. Chợ Cùa đã điểm trang cho làng quê Đốc Kỉnh và xung quanh tạo nên hình hài, dáng vẻ của một thị tứ vùng cao đang tuổi xuân thì khi cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ của một góc Cam Lộ trên hành trình xây dựng thành công nông thôn mới.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=147144