Room chưa đạt kỳ vọng, doanh nghiệp tìm vốn cuối năm ở đâu?

Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng 'cạn' room tín dụng và e ngại rủi ro nợ xấu khiến việc lựa chọn doanh nghiệp, dự án tốt để mở rộng tín dụng càng trở nên khó khăn.

Trao đổi với VnBusiness, lãnh đạo một ngân hàng thương mại quy mô lớn cho biết, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, tuy nhiên con số này quá ít không đủ để đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Cuối năm doanh nghiệp càng “đói” vốn

Câu hỏi đặt ra lúc này, khi nguồn tín dụng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, doanh nghiệp có thể huy động thêm tiền ở đâu? Nói về nhu cầu vốn của doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC cho biết, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền.

Nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. (Ảnh minh họa: Int)

Nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. (Ảnh minh họa: Int)

Riêng CMC không băn khoăn gì nhiều về làm việc với ngân hàng để lấy dòng vốn, bởi doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, hệ thống tài sản cũng như kế hoạch kinh doanh khá tốt. Ngân hàng sẽ nhìn nhận các tập đoàn công nghệ, công ty lớn như CMC là khách hàng tốt, được ngân hàng chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là khách hàng của CMC có năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch kém hơn rất nhiều nên họ rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, ông Tùng cho

Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết, các ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng khách hàng dựa trên sự khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hi sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch.

Đề cập về sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, điều quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định. Vì vậy, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, việc khơi thông dòng vốn của lĩnh vực bất động sản là cần thiết, đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời. Bởi nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế sẽ rất khó phát triển.

Theo nhận định của giới chuyên môn, về tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát chưa cao, lãi suất có tăng lên ở mặt huy động nhưng cho vay chỉ tăng thấp, tốc độ mất giá của Đồng Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác…

Vì vậy, mọi năm NHNN có thể thoải mái nới room tín dụng trong những tháng cuối năm, nhưng năm nay thì khó để thực hiện. Thách thức, áp lực phía trước còn rất lớn nên mục tiêu vẫn phải hướng tới tăng trưởng tín dụng 14%. Nếu nhất quyết chọn lạm phát hay tăng trưởng kinh tế thì rất khó cho bên còn lại.

Tìm vốn ở đâu?

Bàn về vốn cho doanh nghiệp, chia sẻ tại một tọa đàm cuối tuần qua, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Đối với thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng, bản chất thị trường là ngắn hạn, chúng ta không thể để tình trạng rủi ro quá. Trong bối cảnh hiện nay, thế giới quá nhiều rủi ro, đặc biệt là trong cấu trúc tài chính tiền tệ, việc ứng xử của ngân hàng cơ bản là phù hợp”.

Theo vị chuyên gia này, NHNN có thể nới room thêm nữa bởi vì năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối tốt, Chính phủ tập trung giải quyết thị trường trái phiếu doanh nghiệp. “Chính phủ tập trung vào chỗ này là điều kiện bắt buộc và phải làm. Việc tiếp cận không phải để phục vụ lợi ích nhóm mà là "bơm máu" vào nền kinh tế để tạo ra các động lực mới khôi phục đà của nền kinh tế. Nếu không chúng ta sẽ đánh mất thời cơ”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi. Nhiều khi chúng ta nói có ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhưng khi người ta đang đói rồi thì người ta không đợi được nữa. Do đó, chúng ta nhìn thấy quá trình phát triển vừa rồi, có thể có những bùng nổ không còn tuân thủ được nữa vì người ta 'đói' quá”, ông Công ví von.

Hiện tại gỡ bài toán về vốn vừa là điểm nghẽn, điểm nóng vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế. Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. "Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này. Giai đoạn COVID-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng bài toán sắp tới đây cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này”, Chủ tịch VCCI nói.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/room-chua-dat-ky-vong-doanh-nghiep-tim-von-cuoi-nam-o-dau-1088505.html