Room tín dụng: Có nên để ngân hàng 'liệu cơm gắp mắm'?
Dù chưa hết nửa năm 2021, nhưng bộ phận tín dụng của một số ngân hàng đã đến chu kỳ 'ngồi chơi xơi nước'… chờ 'lệ làng'. Trước thực trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên để các ngân hàng 'liệu cơm gắp mắm'.
Một số ngân hàng cạn room tín dụng
Đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C và giao chỉ tiêu linh hoạt. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Còn hạn mức tín dụng của một số ngân hàng trong nhóm thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn năm trước.
Kết thúc quý I/2021, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thông tin rằng tính đến 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.
Xuất phát từ bối cảnh đó nên trong những tháng cuối cùng của quý II/2021, các ngân hàng đã liên tiếp phát ra tín hiệu cạn room tín dụng. Đơn cử như tại ngân hàng nằm trong Top 5 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống dù vẫn tiếp nhận hợp đồng vay vốn nhưng tốc độ giải ngân lại bị trì hoãn bởi lý do ngân hàng thông báo đã hết “room” tín dụng.
Chị T.A - nhân viên tín dụng của ngân hàng này cho biết, ngân hàng tiệm cận hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay từ 2 tháng trước. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, việc giải ngân mới trở nên khó khăn hơn do phải kiểm soát chặt chỉ tiêu. “Nếu như trước đây khách vay khoảng 10 tỷ đồng chỉ cần mất 1 tuần để giải ngân thì hiện nay có khi 2 tuần vẫn chưa xong, thậm chí khách vay vài trăm triệu vẫn phải xếp hàng chờ”, chị T.A chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước giao hạn mức tăng trưởng thấp cho một số ngân hàng đã dẫn đến tâm lý quan ngại của nhiều nhà đầu tư.
Chờ “lệ làng”…
Theo khảo sát của Báo Nhà báo & Công luận, không riêng gì tại ngân hàng Top trên mà ngay tại ngân hàng Top dưới như MSB cũng dính tình trạng tương tự khi ban lãnh đạo luôn thúc nhân viên tín dụng kiểm soát “room” liên tục, tránh vượt hạn mức. Hay tại ngân hàng MB cũng rơi vào tình trạng tương tự khi tăng trưởng tín dụng đã chạm ngưỡng được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã có những ngân hàng thuộc “lệ làng” đến mức mở sẵn van tín dụng. Đó là tại Đại hội đồng cổ đông VIB hồi 4/2021 đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng 31% so với đầu năm, dự kiến đạt 224,800 tỷ đồng. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp hạn mức tín dụng cho VIB là 8% nhưng ngân hàng lại đặt mục tiêu tăng trưởng 30%. Lý giải về kế hoạch “táo bạo” này, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng VIB cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm 2021. Với VIB, các năm trước cũng giao chỉ tiêu lần đầu thấp, nhưng sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch của VIB mà có sự thay đổi. Các năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được…
Thực tế cũng cho thấy trong 3 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đáng bàn ở đây là việc cấp hạn mức tín dụng theo quý của Ngân hàng Nhà nước có thể khiến các ngân hàng có tâm lý thận trọng, chờ đợi. Bởi thực tế những năm trước cho thấy, có không ít nhà băng đã phải “ngồi chơi xơi nước” để đợi Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng.
…Hãy điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì thực hiện chính sách tín dụng thận trọng là hợp lý. Bởi vì, doanh nghiệp không nên tăng trưởng tín dụng nhiều trong giai đoạn này mà nên củng cố, các nguồn vốn chẳng qua là để kinh doanh ngành chủ lực. Đây không phải là giai đoạn phát triển đầu tư, do đó các doanh nghiệp co vốn lại chứ không phải vay vốn lên. Chắc chắn đây cũng không phải là giai đoạn mở ngành mới, mà thu hẹp những ngành nghề triển vọng, tập trung vào ngành mạnh nhất, do đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp không nên nhiều, ngân hàng cũng nên thận trọng.
Do đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng nên ở mức thận trọng bởi nếu tăng hơn tăng trưởng GDP đều rất nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng cũng như lượng cung tiền.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nhà nước nên bãi bỏ biện pháp hành chính này, thay vào đó là biện pháp thị trường khác phù hợp hơn. “Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường, tức bỏ hạn mức này, thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ bằng hệ số an toàn vốn (CAR). Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư. Do đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn”, ông Lực khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên dùng trần tín dụng, mà nên dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ. Nhiều ngân hàng đến cuối năm phải xin tăng room tín dụng, cho nên tốt nhất nên để cho mỗi ngân hàng tự điều chỉnh tăng trưởng theo khả năng kinh doanh của mình.
“Nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát lượng tiền cũng như tính ổn định của mỗi ngân hàng qua các chỉ số như chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chỉ số an toàn vốn... Những chỉ số này sẽ kiểm soát tốt hơn là dùng trần tín dụng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Khách quan hơn, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng, đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn sử dụng công cụ hạn mức tín dụng khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay và khiến nợ xấu tăng mạnh. Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước giao hạn mức tăng trưởng thấp cho một số ngân hàng đã dẫn đến tâm lý quan ngại của nhiều nhà đầu tư.