Room tín dụng dư thừa, vì sao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới room?
Ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN, các TCTD không phải đề nghị.Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Ngày 28/8/2024, NHNN đã chủ động có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD. Đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 28/11/2024 NHNN đã tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Đồng thời, NHNN yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ và NHNN, quyết liệt tổ chức thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành CSTT phù hợp.
Tín dụng 11 tháng chỉ tăng hơn 11% trong khi room tín dụng cả năm lên đến 15%, như vậy room tín dụng trong tháng cuối năm vẫn dư thừa khá lớn. Việc NHNN vẫn tiếp tục nới room cho thấy, tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đang phân hóa rất mạnh, không phải ngân hàng nào cũng có khả năng mở rộng tín dụng. Vì vậy, NHNN nới room để tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng tăng trưởng tín dụng, tránh cảnh "nơi thừa, chỗ thiếu", đảm bảo tín dụng toàn hệ thống cả năm có thể đạt mục tiêu 15%.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.