Rốt ráo 'vào cuộc' triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Với những nỗ lực toàn diện, cụ thể, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ được duy trì, lan tỏa từ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cho đến các địa phương, sở, ban, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng, để khởi công dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, tạo cơ hội phát triển cho thành phố và cả vùng trong tương lai gần.

Chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng

Dự án Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô (dự án) dài 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Trong đó, chiều dài của dự án đoạn qua Hà Nội là 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km và Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Với tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đây là dự án quan trọng quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm tạo mọi điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện. Xác định rõ vai trò cũng như các vấn đề của dự án, Thành ủy, HĐND, UBND cùng cả hệ thống chính trị của TP. Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt.

Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để triển khai dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được chính quyền thành phố xác định là "chìa khóa", then chốt quyết định đến tiến độ tổng thể của dự án. Việc rà soát, xác định chính xác sẽ hạn chế các khó khăn, tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sau khi khởi công xây dựng công trình. Vì vậy, các quận, huyện đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, chủ động triển khai công tác GPMB và đạt nhiều kết quả tích cực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng -Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (người đội mũ mặc vest) khảo sát thực địa về tình hình thực hiện dự án. Ảnh: Khánh Linh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng -Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (người đội mũ mặc vest) khảo sát thực địa về tình hình thực hiện dự án. Ảnh: Khánh Linh

Theo tính toán, Hà Nội sẽ cần tới 741 ha đất để thực hiện dự án. Công tác GPMB liên quan đến 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín và khoảng 14.600 phần mộ trên địa bàn 7 quận, huyện sẽ phải di dời để phục vụ thi công dự án.

Tính đến hết tháng 11, các quận, huyện của Hà Nội đã cắm được hơn 2.000 trên tổng số 2.700 cọc mốc GPMB, tương đương 36 km của dự án. Con số này đạt gần 70% chỉ tiêu và dự kiến được hoàn thành vào giữa tháng 12/2022. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn, với tổng chiều dài 58,2 km. Việc di dời hàng vạn ngôi mộ là phần việc khá phức tạp trong dự án nhưng các quận, huyện đã được người dân đồng tình di chuyển để nhường đất làm dự án.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, các đơn vị tập trung khảo sát, lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần. Dự kiến, UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cả 3 dự án thành phần vào ngày 9/1/2023.

Quyết tâm bảo đảm tiến độ để đến tháng 6/2023 khởi công dự án

Chính quyền TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%. Để đốc thúc tiến độ thực hiện dự án, cuối tháng 11/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đã trực tiếp đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án.

Qua khảo sát, ông Đinh Tiến Dũng nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Hà Nội đã chủ động đề ra các biện pháp tháo gỡ nên các phần việc liên quan đến GPMB đã và đang được triển khai đồng bộ từ thành phố xuống các địa phương. Tuy nhiên, khối lượng công tác GPMB dự án hiện rất lớn, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước, trong khi đó, tiến độ Quốc hội đề ra là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Giá trị bồi thường trên địa bàn Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng

Dự án này có 7 dự án thành phần bao gồm: 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Việc triển khai dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt.

Theo UBND TP. Hà Nội, tổng số vốn đầu tư cho toàn bộ hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để làm dự án trên địa bàn Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách trung ương chi 4.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi 9.360 tỷ đồng. Dự kiến trong quý IV/2022, thành phố sẽ giải ngân khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Vì vậy, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của TP. Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc. Đồng thời, Ban Chỉ đạo yêu cầu các quận, huyện vừa thi đua, vừa tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện công tác GPMB với quyết tâm bảo đảm tiến độ để đến tháng 6/2023 khởi công dự án. Các sở, ngành, thành phố phải tập trung cao độ phối hợp, giúp đỡ các quận, huyện; đặc biệt phải hoàn thành xác định chỉ giới đường đỏ và cắm mốc trên thực địa.

“Nhiệm vụ tới đây còn rất dài, rất nặng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của các sở, ngành, quận, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội phải sâu sát, quyết liệt từng việc hơn nữa” - Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

* Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm:

Thành lập ban chỉ đạo, tổ tiếp công dân chuyên trách thực hiện dự án

Ông Nguyễn Thanh Liêm

Ông Nguyễn Thanh Liêm

Tuyến đường vành đai 4, đoạn đi qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km. Tiến độ thực hiện dự án đang rất khẩn trương nhằm đạt mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án trước quý III/2023; tổ chức bàn giao từ 60% đến 70% diện tích đất đã GPMB trước quý III/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV/2023.

Để triển khai dự án này, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ tiếp công dân chuyên trách thực hiện dự án; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ; chủ động đi trước thành phố rà soát các nhiệm vụ thực hiện dự án trên địa bàn huyện; thường xuyên giao ban định kỳ hàng tuần để kiểm điểm tiến độ thực hiện. Đặc biệt, đầu tháng 10/2022, huyện Mê Linh đã phát động phong trào thi đua thực hiện công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn huyện.

* Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:

Người dân 6 xã có dự án đi qua đồng thuận ký kết giải phóng mặt bằng

Ông Bùi Văn Sáng

Ông Bùi Văn Sáng

Huyện Thanh Oai có 6 xã có đường vành đai 4 đi qua, với chiều dài khoảng 7,9 km. Huyện xác định thực hiện tốt dự án đường vành đai 4 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô.

Bám sát các chỉ đạo của thành phố, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương thực hiện dự án, công khai các thông tin liên quan và mốc giới GPMB, rà soát sơ bộ các hộ sử dụng đất, diện tích thuộc phạm vi thu hồi. Đến nay, biên bản điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất phục vụ công tác GPMB thực hiện dự án vành đai 4 đã được người dân 6 xã có dự án đi qua đồng thuận ký kết, tạo thuận lợi cho việc triển khai các bước tiếp theo.

* Bí thư Huyện Đan Phượng Trần Đức Hải:

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Ông Trần Đức Hải

Ông Trần Đức Hải

Đoạn tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện huyện Đan Phượng có mặt cắt B = 120m, hướng tuyến dài 6,3 km, đi qua 5 xã. Dự kiến thu hồi GPMB 75 ha, trong đó có 2,5 ha đất ở của 141 hộ gia đình. Đáng chú ý có tới hơn 2.100 ngôi mộ trong diện cần di chuyển phục vụ dự án.

Đầu tư tuyến đường vành đai 4 là cơ sở tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội khu vực huyện Đan Phượng nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung. Để thực hiện dự án, chúng tôi yêu cầu các phòng, ban, ngành đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện các nội dung theo đúng kế hoạch của UBND huyện đã đề ra.

* Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và nhân dân

Ông Nguyễn Tiến Minh

Ông Nguyễn Tiến Minh

Đường vành đai 4 đi qua huyện Thường Tín dài khoảng hơn 9 km, đi qua địa phận 9 xã, ước tính phải thu hồi đất 118,71 ha; bồi thường, hỗ trợ, GPMB 2.001 hộ, cá nhân; 14 cơ quan, tổ chức; tái định cư 236 hộ, di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã. Nhận bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở, tỷ lệ 1/500.

Để triển khai thực hiện tuyến đường vành đai 4, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và nhân dân 9 xã có tuyến đường đi qua. Nhận thức rõ tính cấp bách trong thực hiện GPMB, huyện Thường Tín đã thành lập ban chỉ đạo và 9 tổ công tác thực hiện dự án. Công tác tuyên truyền, vận động được huyện đặc biệt chú trọng để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận trong công tác GPMB.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/rot-rao-vao-cuoc-trien-khai-du-an-vanh-dai-4-vung-thu-do-118477-118477.html