Cơm tấm là món ăn trứ danh ở TP.HCM và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngày nay, món ăn này được mang ra các tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung để phục vụ thực khách
Tại Thụy Khuê (Hà Nội) có một quán cơm tấm hơn 10 năm tuổi được rất nhiều người yêu thích. Quán bán từ 11h đến 14h và 17h đến 21h hàng ngày, đông nhất vào giờ ăn trưa. Thời điểm này, quán thường xuyên trong tình trạng kín chỗ, người giao hàng đứng chờ kín cửa. Trung bình mỗi ngày, quán bán 600 - 700 suất. Những ngày cuối tuần hoặc thời tiết mát mẻ, lượng khách sẽ đông hơn
Anh Vũ Ngọc Toàn (38 tuổi) - chủ quán chia sẻ, vợ anh - chị Kiều là người Sóc Trăng. Chị vốn khéo nấu ăn, nhất là các món của miền Tây Nam Bộ. Sau này, khi chuyển ra Bắc lập nghiệp, anh Toàn động viên vợ mở bán món ăn miền Tây. "Lúc đầu, khách cũng vắng lắm nhưng sau nhiều lần thay đổi hương vị, gia vị cho phù hợp, khách đông dần. Nhiều người bảo, đi qua quán thấy mùi thịt thơm quá nên "liều" vào ăn thử rồi "nghiện" từ đó", anh Toàn chia sẻ
Khu vực nướng thịt của quán lúc nào cũng nghi ngút khói. Thịt, sườn nướng tới đâu, bán tới đó, chủ quán không nướng sớm khiến miếng thịt bị khô. Anh Toàn trực tiếp đứng bếp bởi theo anh: "Công đoạn này rất quan trọng, mình phải căn nhiệt độ vừa đủ để miếng thịt chín đều, vàng màu cánh gián, nhưng không bị cháy. Nhà tôi đến nay vẫn dùng than thay vì nướng máy"
Mỗi ngày, quán tiêu thụ hơn 100kg bao gồm sườn cốt lết, dẻ sườn và ba chỉ. Thịt sau khi mua về được làm sạch, sơ chế và ướp gia vị trong 3-4 tiếng, để gia vị ngấm đều vào từng thớ thịt
Quán có thực đơn đa dạng: sườn bì chả, sườn nướng, sườn trứng ốp, dẻ sườn, cá ngừ kho, ba chỉ bì chả, cơm tấm đầy đủ... nhưng phổ biến và được thực khách gọi nhiều nhất là đĩa cơm tấm dẻ sườn. Mỗi phần ăn có giá từ 45.000 đến 70.000 đồng, thực khách dùng thêm sữa đậu sẽ tính thêm 8.000 đồng. Ngoài ra, quán bán thêm bún bò Huế theo phong cách miền Nam với giá 45.000 đồng một phần
Để phục vụ lượng khách lớn, dồn dập tới vào bữa trưa, vợ chồng anh Toàn phải huy động người thân cộng thêm nhiều nhân viên, tổng cộng lên tới 13-14 người. Quán thường đóng hộp trước một số đồ ăn kèm như nước mắm, canh để kịp phục vụ người mua mang về
Anh Toàn thừa nhận, khi mở quán, anh chị làm cơm sườn đúng hương vị nguyên bản của người dân Sóc Trăng. Tuy nhiên, hương vị ấy không hợp với phần đông thực khách Hà Nội, miền Bắc. Dần dần, anh chị điều chỉnh cách nêm nếm gia vị, bổ sung thêm canh, rau vào suất cơm. "Bây giờ thì món cơm sườn này nửa Bắc, nửa Nam rồi nhưng những nét đặc trưng chính của cơm sườn miền Tây Nam Bộ, vợ chồng tôi vẫn cố gắng giữ gìn", anh Toàn nói
Các món ăn kèm như đồ chua, tóp mỡ hành, nước mắm, bì lợn... đều được vợ chồng anh Toàn, chị Kiều làm rất kì công. "Phần thịt ở đây thơm, nóng hổi, ăn rất đậm đà, ngon miệng. Đồ ăn kèm hợp vị lắm, chua chua ngọt ngọt, dễ ăn. Phần cơm thì tôi thấy không quá đặc sắc, hơi khô so với cơm miền Bắc", ông Hà Duy (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết
Quán cơm sườn này cũng thu hút những thực khách nước ngoài đến thưởng thức
Ảnh: Quang Minh
Linh Trang