Rùa biển xuất hiện tại vịnh Nha Trang sau nhiều năm vắng bóng
Sau nhiều năm vắng bóng do ảnh hưởng của môi trường, một cá thể rùa biển đã được phát hiện tại khu vực Hòn Mun thuộc khu bảo tồn biển nằm trong vịnh Nha Trang.
Trong quá trình lặn kiểm tra hệ sinh thái khu bảo tồn biển, chuyên viên của Phòng bảo tồn thuộc Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã phát hiện một cá thể rùa biển tại vùng biển Hòn Mun và đã quay video để làm tư liệu.
Nhận định của BQL vịnh Nha Trang, hiện nay môi trường biển tại vịnh đang có sự cải thiện, nguồn thức ăn dồi dào cùng không gian yên tĩnh đã thu hút rùa biển quay về đẻ trứng. Đây là dấu hiệu tích cực cho việc bảo tồn hệ sinh thái biển.
Cũng theo BQL vịnh Nha Trang, các năm trước đây cũng ghi nhận sự xuất hiện của rùa biển tại vịnh. Đặc biệt, tại khu vực Bãi Bàng thuộc Đầm Tre, Hòn Tre đã xuất hiện một cá thể rùa mẹ lên bờ và đẻ ba ổ trứng vào năm 2009, sau đó được bảo vệ đến khi rùa con quay về biển. Năm 2016, một ổ trứng rùa biển khác cũng được phát hiện tại khu vực này.
Rùa biển có vòng đời lên đến hàng trăm năm, nhưng tỷ lệ sống sót của rùa con đến khi trưởng thành chỉ vào khoảng 0,001%. Mỗi cá thể rùa mất từ 30 - 50 năm để trưởng thành và 1 năm rùa đẻ trứng từ 3 đến 5 lần, mỗi lần khoảng 100 - 180 trứng. Đặc biệt loài rùa có tập tính quay lại nơi mình sinh ra để đẻ trứng.
Vịnh Nha Trang có chu vi 21,50 hải lý (tương đương 39,82 km), bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, Hòn Tre là đảo lớn nhất với diện tích 3.323,15 ha, có môi trường biển đa dạng, bao gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển và là nơi sinh sản của nhiều loài động vật biển, đặc biệt là rùa biển. Khu vực này là một nơi bảo tồn sinh vật biển tại Nha Trang, Khánh Hòa.