Rục rịch tăng từ những tuần đầu năm, lãi suất sẽ diễn biến ra sao trong 2025?
Đa số các công ty chứng khoán nhận định lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 50-100 điểm cơ bản trong cả năm nay, trong khi lãi suất cho vay được kỳ vọng đi ngang hoặc nhích nhẹ vào nửa sau của năm.
Ngay trong những tuần đầu năm 2025, nhiều ngân hàng trong hệ thống tiếp tục tăng lãi suất huy động, có thể kể tới KienlongBank, NCB, Eximbank, Bac A Bank, VietBank...
Tại các kỳ hạn ngắn, Eximbank hiện là một trong những ngân hàng dẫn đầu về lãi suất với mức lãi suất dành cho kỳ hạn 1 tháng là 4,5%/năm và 3 tháng là 4,75%/ năm. Trước đó, trong những tuần đầu tiên của năm, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất các kỳ hạn dài lên cao hơn, áp dụng mức lãi suất 6,5-6,8%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 15-34 tháng.
Hay tại Kienlong Bank, một trong những nhà băng dẫn đầu hệ thống về lãi suất huy động đặc biệt ở các kỳ hạn dài; từ đầu tháng 1/2025 đến nay, ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động lần thứ hai, qua đó đưa mức lãi suất cao nhất lên 6,4%/năm cho kỳ hạn 60 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân mới nhất, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Kienlong Bank đã tăng thêm 0,2%, đạt 6,1%/năm. Đối với các kỳ hạn từ 12 - 17 tháng, lãi suất cũng được nâng lên 6,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 18-24 tháng cũng được điều chỉnh lên cùng mốc 6,1%/năm, sau khi tăng thêm 0,2%/năm. Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 36 tháng được nâng lên 6,3%/năm, cao hơn 0,2%/năm so với trước đó.
Ở chiều ngược lại, cũng có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, như: Techcombank, Nam A Bank... nhằm đa dạng hóa chiến lược huy động vốn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế từ Đại học Kinh tế TP. HCM, việc lãi suất huy động tăng trong giai đoạn cuối 2024, đầu 2025 là phản ứng tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh tỷ giá chịu sức ép từ chính sách tiền tệ của Mỹ và triển vọng đồng USD mạnh. Trước đó, trong 2 tháng cuối năm 2024, lãi suất huy động đã đồng loạt tăng tại nhiều ngân hàng, theo đó đưa mặt bằng lãi suất huy động chung tăng 15-30 điểm cơ bản so với đầu năm.
Nhìn lại những tháng cuối năm 2024, tỷ giá đã tăng mạnh trở lại do chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh cũng tăng mạnh trở lại, phản ánh quan ngại tiến độ giảm lãi suất của FED chậm; cùng đó là nhu cầu ngoại tệ tăng cao khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu cuối năm; và việc Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua USD để trả nợ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, đã có thời điểm NHNN phải bán ngoại tệ ra thị trường để ổn định tỷ giá. Chứng khoán FPT (FPTS) ước tính trong năm 2024, NHNN đã bán ròng 9,4 tỷ USD (xấp xỉ 10,4% quy mô dự trữ ngoại hối). Đến thời điểm cuối năm 2024, ước tính tỷ lệ dự trữ ngoại hối là khoảng 80 tỷ (bằng khoảng 2,5 lần tháng nhập khẩu).
“Trong bối cảnh áp lực tỷ giá, mà NHNN lại không dám tăng cung tiền, các ngân hàng lại chịu sức ép phải tăng điểm tín dụng cho năm nay nên việc tăng lãi suất huy động để hút tiền là điều không thể tránh khỏi”, ông Huân chia sẻ.
Việc lãi suất huy động nhích lên trong những tháng gần đây tất yếu sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Trước đó, trong năm 2024, lãi suất cho vay đã duy trì xu hướng giảm (trung bình -0,44 điểm % so với cuối năm 2023) trong bối cảnh NHNN tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi giúp tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay khi lãi suất huy động các kỳ dài hạn của nhiều ngân hàng gần như đi ngang. Bước sang 2025, với tín hiệu rục rịch tăng lãi suất huy động từ nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ tăng, dù mức tăng không lớn trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP.
“Tôi cho rằng lãi suất có thể tăng 1 điểm % và đây là mức chấp nhận được”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu áp lực tỷ giá quá lớn thì Chính phủ buộc phải ưu tiên ổn định tỷ giá, khi đó lãi suất cũng tăng theo”.
Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng mặt bằng lãi suất dù có tăng, mức tăng cũng sẽ không lớn trong bối cảnh Chính phủ sẽ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán KBSec Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 với mức tăng 30- 50 điểm cơ bản cho nhóm NHQD trong khi nhóm NHTM sẽ có sự phân hóa và nhìn chung mức tăng lãi suất cũng lớn hơn.
Về lãi suất cho vay, KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2025, phù hợp với định hướng hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ bất chấp mức tăng nhẹ của lãi suất huy động. Trong nửa sau của năm, lãi suất cho vay có thể sẽ hồi phục nhẹ dựa trên kịch bản cơ sở là nền kinh tế chung và lĩnh vực BĐS nói riêng hồi phục sẽ gia tăng nhu cầu tín dụng cũng như việc giảm bớt các chương trình gói vay hỗ trợ hơn năm 2024. Cùng đó, các ngân hàng chuyển giao phần tăng chi phí huy động đầu vào sang cho khách hàng để đảm bảo duy trì tỷ lệ NIM.
Chứng khoán An Bình (ABS) thì kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng 50-100 điểm cơ bản trong 2025, chịu áp lực tăng nhiều hơn khi nhu cầu tín dụng tăng tốc trong nửa sau của 2025 cùng hoạt động đầu tư công, tiêu dùng và kinh doanh.
Trong khi đó, lãi suất cho vay dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp đến hết nửa đầu năm khi 2025 trong bối cảnh nhiều ngân hàng tiếp tục tham gia giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Chung quan điểm này, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tăng trở lại với mức tăng vừa phải khoảng 50-100 điểm cơ bản trong năm 2025. Lãi suất cho vay có thể nhích tăng nhẹ trong nửa sau năm 2025 do nhu cầu vốn đầu tư tư nhân cải thiện, áp lực vay nợ lớn từ Chính phủ (+22,8% so với ước thực hiện năm 2024) và tác động trễ của việc tăng lãi suất huy động. Theo VDSC, cung – cầu vốn sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất năm 2025.
Chứng khoán FPTS thì kỳ vọng trong 2025, lãi suất cho vay sẽ tăng 0,5 – 1,0 điểm % do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động.
Với mức lãi suất này, KienLong Bank đã trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu về lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn dài.
Trên thực tế, không phải tới tháng 1/2025 các ngân hàng mới tăng lãi suất huy động. Đà tăng này đã được kích hoạt từ trước đó, cho thấy xu hướng tăng lãi suất trong năm 2025 là khá rõ ràng.
Ghi nhận cho thấy mức lãi suất trên 6%/năm đang được nhiều ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Một số ngân hàng còn tung ra các gói lãi suất cao, từ 7% - 9%, song chỉ dành cho các khách hàng đặc biệt, như có số dư tối thiểu từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có sự điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn, như: Techcombank, Nam A Bank, SeABank… Việc này được giải thích là để đa dạng hóa chiến lược huy động vốn của từng đơn vị.
Sự gia tăng của lãi suất huy động, một cách tất yếu, sẽ tác động tới lãi suất cho vay. Thông thường, biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là 3,5% - 4%. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ “nhích” lên theo đà tăng của lãi suất huy động.