Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư 'siêu' Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Đây là dự án sẽ đưa TP.HCM vào vị thế 'mặt tiền' của các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời định vị vị thế quan trọng của hàng hải Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định số 148/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Đây là dự án do liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất.

Theo Quyết định số 148, Dự án được triển khai tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM với mục tiêu xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác.

Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha; vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện Dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Thời hạn hoạt động Dự án là 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ giải ngân Dự án được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án sẽ theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 hoặc theo quy định của Luật Đấu thầu.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Quyết định số 148 nêu rõ nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP.HCM.

Việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trọng trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 98/2023/QH15; các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 98/2023/QH15 (nếu có); trong đó lưu ý các vấn đề quốc phòng, an ninh; môi trường; năng lực nhà đầu tư; tiêu chí, giải pháp khai thác có hiệu quả dự án, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển của Việt Nam; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

UBND TP.HCM có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan đê xây dựng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo không tác động tiêu cực đến vùng đệm, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM sẽ phải chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Khoa học và công nghệ để xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông minh), phương án vận hành cảng biển trong Dự án.

Theo đề xuất của liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A, Dự án có tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng; tiến độ thực hiện 22 năm theo 7 giai đoạn, trong đó đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào năm 2045.

Với sự hình thành cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam và sự tham gia của các đơn vị vận hành cảng hàng đầu thế giới, dự án hứa hẹn biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Dự án sẽ định vị Việt Nam trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế khổng lồ giúp thu hút các đơn vị vận tải, logistics lớn của thế giới.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và giảm thiểu các chi phí trung gian.

Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ mang lại nguồn thu ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng hơn 6.000 - 8.000 nhân công vận hành khai thác và tạo hàng chục ngàn lao động trong quá trình xây dựng dự án và nhân công phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Với vị trí chiến lược, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không những thế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-tuong-duyet-chu-truong-dau-tu-sieu-du-an-cang-trung-chuyen-quoc-te-can-gio-d241098.html