Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nằm trong Top khuyến nghị đầu tư

VN-Index tiếp tục hồi phục; Tín dụng quý IV đưa ngân hàng về đích lợi nhuận; Ẩn số trái phiếu với thị trường vốn; Ngân hàng vẫn là trụ cột, nhưng cơ hội sẽ phân hóa; Người mua dầu của Nga chuyển sang các quốc gia khác thuộc OPEC+…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 16/1 tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 85,00 – 87,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18,8 USD lên 2.696,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.705 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 109,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.333 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.189 – 25.549 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ gần 96.000 USD lên 99.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và có lúc vượt 100.000 USD, trước khi lùi về ngưỡng 99.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,16 USD (-0,20%), xuống 79,88 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,17 USD (-0,21%), xuống 81,86 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.240 điểm

Thị trường trong phiên đáo hạn phái sinh diễn ra khá yên ả trong suốt phần lớn thời gian giao dịch. Diễn biến có đôi chút kịch tính chỉ diễn ra ở nửa sau của phiên chiều.

Theo đó, VN-Index chịu sức ép và giảm điểm khi bảng điện tử đảo chiều và số mã giảm cũng chiếm ưu thế trong nhóm VN30, nhưng đã bật tăng nhẹ khá nhanh ngay trước phiên ATC và tiếp tục nhích lên trên 1.240 điểm ở những phút cuối.

Kết thúc phiên giao dịch 16/1: VN-Index tăng 6,18 điểm (+0,50%), lên 1.242,36 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm (+0,59%), lên 220,84 điểm; UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,16%), lên 92,42 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Năm (15/1), khi dữ liệu CPI tháng 12 cho thấy sự chậm lại của lạm phát, mở đường để Fed tiếp tục chính sách nới lỏng trong năm nay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế trước đó dự báo lần lần lượt là 0,3% và 2,9%.

Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% trên cơ sở hàng năm, thấp hơn so với dự báo là 3,3%.

Kết thúc phiên 15/1: Chỉ số Dow Jones tăng 703,27 điểm (+1,65%), lên 43.221,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 107,00 điểm (+1,83%), lên 5.949,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 466,84 điểm (+2,45%), lên 19.511,23 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng tích cực trên Phố Wall đêm qua, khi chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cho dấu hiệu tiếp tục hạ nhiệt.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,33% lên 38.572,60 điểm. Chỉ số Chỉ số Topix giảm nhẹ 0,09% xuống 2.688,31 điểm.

Tuy nhiên, mức tăng của thị trường đã bị hạn chế bởi đồng yên phục hồi, khi các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Reuters và các phương tiện truyền thông khác đưa tin rằng một đợt tăng lãi suất của BOJ có thể xảy ra vào ngày 24/1.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ kỳ vọng cao hơn vào việc ngân hàng trung ương sẽ có thêm động thái tăng thanh khoản trên thị trường tiền tệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,28% lên 3.236,03 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,11% lên 3.800,38 điểm.

Truyền thông đưa tin rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vào cuối tháng này, nhằm tăng thanh khoản thị trường.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ có thể hạn chế khả năng PBOC trong việc nới lỏng chính sách hơn nữa.

Hiện các nhà đầu tư tập trung theo dõi dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc, sẽ được công bố vào sáng thứ Sáu. Theo ước tính của các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế quý IV của Trung Quốc có thể tăng tốc lên 5% từ 4,6% trong quý trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên gần mức cao nhất trong hai tuần khi báo cáo lạm phát của Mỹ làm tăng kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục con đường nới lỏng trong năm nay.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,23% lên 19.522,89 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,24% lên 7.098,76 điểm.

Cổ phiếu Nhà sản xuất nhôm China Hongqiao Group đã tăng 5,6% và là công ty có hiệu suất tốt nhất trên thước đo Hang Seng sau khi tiến hành mua lại cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, cũng nhờ phiên khởi sắc đêm qua trên Phố Wall, cũng như động thái bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc để duy trì lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 30,68 điểm, tương đương 1,23% lên 2.527,49 điểm.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) bất ngờ giữ nguyên lãi suất cơ bản và báo hiệu cần đợi tình trạng hỗn loạn chính trị trong nước kết thúc trước khi có thể cắt giảm thêm lãi suất.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,12% và SK Hynix tăng 5,95%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,14%.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 128,02 điểm (+0,33%), lên 38.572,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,92 điểm (+0,28%), lên 3.236,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 236,82 điểm (+1,23%), lên 19.522,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 30,68 điểm (+1,23%), lên 2.527,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng quý IV đưa ngân hàng về đích lợi nhuận

Tín dụng tăng mạnh tháng cuối năm đã tác động tích cực lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm 2024 của các ngân hàng..>> Chi tiết

- Ẩn số trái phiếu với thị trường vốn

Trước nhiều ý kiến lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2025, một bộ phận thành viên thị trường vẫn không khỏi e ngại về “cục máu đông” trái phiếu doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Ngân hàng vẫn là trụ cột, nhưng cơ hội sẽ phân hóa

Điểm nhấn nhận được nhiều khuyến nghị từ giới chuyên gia cho cổ phiếu ngân hàng năm 2025 nằm ở nhóm ngân hàng quốc doanh - dự kiến hưởng lợi nhiều nhất từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công và các ngân hàng tốp đầu về biên lãi ròng, chất lượng tài sản..>> Chi tiết

- Người mua dầu của Nga chuyển sang các quốc gia khác thuộc OPEC+ trong bối cảnh rủi ro trừng phạt

Các khách hàng mua dầu mỏ của Nga tại châu Á đang tiếp cận các đối tác OPEC+ trong trường hợp lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ tạo ra vấn đề trong cung ứng..>> Chi tiết

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nhieu-co-phieu-ngan-hang-tiep-tuc-nam-trong-top-khuyen-nghi-dau-tu-post361896.html