Rủi ro địa chính trị cho thị trường khí đốt ở châu Âu

'Rủi ro đáng lo ngại nhất khi nó không rõ ràng và không đáng lo khi nó quá rõ ràng'

James Grant

Từ nhiều năm nay, dầu được coi là loại tài sản mang tính kinh tế vĩ mô và quan trọng từ góc nhìn địa chính trị. Nó thường bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, chính sách tiền tệ và sức khỏe của nền kinh tế. Khí đốt thì thường bị ảnh hưởng nhiều bởi những biến động trong một khu vực nhất định vì vận chuyển khí đốt thường phức tạp hơn là vận chuyển dầu. Nhưng với chuỗi cung ứng hiện tại, khí đốt cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các sự kiện toàn cầu.

Từ sau bùng phát xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã phải tiến hành các bước tự chủ năng lượng và độc lập khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng tới từ Nga bằng cách tìm nguồn khí đốt thay thế, trong đó có Mỹ và Qatar với khá nhiều hợp đồng dài hạn đã được ký kết.

Dự báo thâm hụt năng lượng của EU năm 2022 đã không xảy ra như dự đoán vì (1) các nguồn dự trữ khí đốt ở châu Âu được nạp đầy trước khi giá bị ảnh hưởng nặng, (2) thị trường khí đốt ở Mỹ tăng công suất để xuất khẩu cho EU, và (3) thời tiết mùa đông ở châu Âu không khắc nghiệt như dự kiến. Đi vào giai đoạn mùa đông 2023-2024, dự trữ khí đốt ở châu Âu khá tốt và rủi ro duy nhất họ phải dè chừng đó là thời tiết. Nhưng còn đó những rủi ro địa chính trị mà thị trường này sẽ phải để tâm tới, và có thể là thị trường khí đốt toàn thế giới.

Armenia – Azerbaijan

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không phải là xung đột duy nhất ở châu Âu, mà còn có cuộc chiến khác ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và người gốc Armenia, xảy ra đúng vào dịp đàm phán giữa EU và Azerbaijan để nâng sản lượng xuất khẩu khí đốt sang EU lên tới 20 tỉ mét khối mỗi năm để thay cho nguồn cung từ Nga.

Trong cuộc thương lượng này, đường ống TANAP dẫn khí đốt từ Azerbaijan qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới Hy Lạp được quan tâm nhiều nhất, với Azerbaijan giữ 58% cổ phần, Thổ Nhĩ Kỳ 30%, và British Petroleum 12%. TANAP, cùng với SCP và TAP, là ba đường ống dẫn khí đốt ở Hành lang khí đốt phía Nam, nằm dưới sự kiểm soát của EU, được khởi công vào những năm 1990.

Để tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt từ Azerbaijan tới EU cần đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, cùng với việc phải đạt được các thỏa thuận nhập khẩu với các công ty châu Âu. Nhưng các điều kiện này vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn vì diễn biến ở khu vực Nagorno-Karabakh làm các bên phải suy nghĩ lại trước khi quyết định tăng cường hợp tác với Azerbaijan. Tổng thống Pháp Macron đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Azerbaijan đơn phương đe dọa biên giới Armenia, trong khi đó David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EU nói với Azerbaijan rằng bất kỳ nỗ lực nào ép buộc dân Armenia phải rời bỏ Nagorno-Karabakh sẽ làm mối quan hệ giữa EU với Azerbaijan trở nên căng thẳng. Đó là chưa kể Azerbaijan còn có động thái mua lại khí đốt của Nga để thỏa mãn nhu cầu khí đốt châu Âu, điều mà EU không muốn trong cuộc đàm phán hiện tại.

Israel – Hamas

Mối đe dọa duy nhất cho an ninh năng lượng hiện tại đó là xung đột Israel và Hamas. Xung đột này có thể lan ra vùng Trung Đông và Bắc Phi. Phần lớn các dàn khai thác khí đốt ngoài khơi ở Israel đã phải dừng hoạt động, trong đó có dàn Tamar của Chevron, làm cho nhập khẩu khí đốt ở Ai Cập từ Israel giảm 20%. Vấn đề này quan trọng đối với châu Âu vì trong thời kỳ chính trị ổn định, khí đốt từ Tamar đi qua Ai Cập rồi từ đó được phân bổ đi các thị trường ở châu Âu, với Ai Cập nắm gần 5% tổng sản lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Nếu Iran cũng bị cuốn vào xung đột, giá khí đốt sẽ tăng cao và sẽ chuyển hóa thành giá thành cao hơn cho người tiêu dùng ở châu Âu.

Đây là lý do chính cho giá khí đốt tăng ở châu Âu trong tuần đầu của xung đột. Trong tháng 10, giá hợp đồng tương lai khí đốt ở châu Âu tăng gần 6%. Trong buổi phỏng vấn gần nhất với CNN, Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu dầu và khí đốt Wood Mackenzie, cho biết việc đóng cửa tạm thời các dàn khai thác khí đốt ở Ai Cập và Jordan là một rủi ro lớn cho thị trường năng lượng châu Âu. Ai Cập xuất khẩu gần 3 triệu tấn khí đốt hóa lỏng (LNG) trong thời gian mùa đông, phần lớn chuyển đi châu Âu.

Nhiều công ty hàng hải quốc tế tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm cho những kiện hàng thông qua vùng phía đông Địa Trung Hải, với Kênh Đào Suez, vịnh Bab al Mandab, và vịnh Hormuz là nơi tập trung giao thông với xung đột có thể lan ra những khu vực này. Khi ấy, giá xăng dầu, giá bảo hiểm hàng hải, và các phí phụ thu sẽ tăng không chỉ cho châu Âu mà còn cho châu Á.

Cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu

Một năm trước, đường ống Nordstream I dẫn khí đốt từ Nga sang cho thị trường Đức dưới biển Baltic bị tấn công. Vào giữa tháng 10 vừa qua, đường ống Baltic nối Phần Lan và Estonia bị phá hoại. Trong ngắn hạn, sự gián đoạn của đường ống dẫn khí đốt này sẽ làm Phần Lan phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu LNG. Hiện tại, khi chứa LNG lớn nhất của Phần Lan – Inkoo, cùng với một cơ sở khác có thể lấp đầy khoảng trống mà đường dẫn Baltic để lại, ít nhất là trong mùa đông này. Nỗi lo hiện tại đó là việc bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi nguy cơ bị phá hoại.

Đường ống khí đốt TANAP. Nguồn: Stratfor

Đường ống khí đốt TANAP. Nguồn: Stratfor

Estonia cũng thông báo phát hiện đường cáp dưới biển của quốc gia này bị gián đoạn vào ngày 11-10 vừa qua, trong khu vực gần với đường ống Baltic. Chính quyền Estonia cho biết một tàu thương mại Trung Quốc tên New Polar Bear, đi từ Trung Quốc sang châu Âu thông qua đường biển phía Bắc Cực, bị tình nghi gây ra vụ đứt cáp này.

Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Nga, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, nhưng đường ống dẫn khí từ Na Uy cũng trở thành mục tiêu rất dễ bị phá hoại. Nguồn khí đốt tự nhiên của Na Uy chủ yếu tới từ các mỏ nằm ở phía Bắc biển Na Uy và Barents, và các nguồn khí gas mới có thể sẽ bắt nguồn từ các mỏ gần Bắc Cực. Theo khảo sát của chính quyền Oslo, biển Barent có thể chứa gần hai phần ba tổng sản lượng dầu và khí đốt chưa được khai thác ở quốc gia này.

Na Uy chỉ xuất khẩu 5% tổng sản lượng khí đốt dưới dạng lỏng, còn lại là xử dụng đường dẫn. Na Uy cũng là nước xuất khẩu lớn khí đốt cho châu Âu, chiếm gần 44% tổng sản lượng nhập khẩu của khu vực. Đó cũng là lý do quốc gia này là bên hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách độc lập khỏi nguồn cung của Nga, nhưng với rủi ro cực lớn khi các đường dẫn dưới biển của họ gần như không có sự bảo vệ hoặc giám sát nào.

Nếu bạn có ý kiến hoặc quan tâm tới bài viết, vui lòng gửi email trực tiếp vào hộp thư của tác giả tại nguyenphan3777@gmail.com.

Nguyễn Phán

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/rui-ro-dia-chinh-tri-cho-thi-truong-khi-dot-o-chau-au/