Rủi ro Fed tăng lãi suất, khác biệt và độc lập
Nếu Fed tăng lãi suất trong kỳ họp tới, sẽ khác với những lần trong quá khứ; tính liên thông được nhận định có phần hạn chế và thị trường Việt Nam có phần độc lập hơn…
Sau những phản ứng bước đầu về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thị trường và nhà đầu tư trở về với mối quan tâm gần kề và đã đậm đặc trong các dự báo vừa qua: cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng triển vọng tăng lãi suất.
Trong nước, lãi suất cũng đang định hình mặt bằng mới; tỷ giá USD/VND có những biến động rất mạnh cuối năm 2021 đầu 2022. Song, có khác biệt và tính độc lập nếu Fed tăng lãi suất lần này.
“Một điểm thuận lợi”
Còn theo nhóm chuyên gia nghiên cứu phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), thứ nhất, trong ngắn hạn, lộ trình tăng lãi suất của Fed là chưa rõ ràng sẽ tạo ra nhiều bất ổn; kỳ vọng của nhà đầu tư càng nghiêng về kịch bản Fed nâng lãi suất nhanh, mạnh và bất ngờ thì rủi ro sẽ càng gia tăng.
Rủi ro từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed được kỳ vọng sẽ giảm bớt khi Fed đưa ra được lộ trình tăng lãi suất cụ thể hơn trong cuộc họp vào tháng 3 này. Nếu không, thị trường sẽ có nhiều biến động lên xuống mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2022.
Thứ hai, theo nhóm chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất của Fed trong giai đoạn sắp tới có nhiều điểm khác biệt so với các lần điều chỉnh nâng lãi suất trong quá khứ.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vốn là rủi ro choáng ngợp tâm trí của nhà điều hành chính sách trong suốt hai năm 2020-2021, có vẻ như Fed đã chậm bước trong việc đối phó với lạm phát tăng cao. Bài toán nâng lãi suất trong năm 2022 là rất thách thức khi kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng chậm lại và lạm phát thì duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
“Chúng tôi cho rằng chênh lệch dương giữa lạm phát Mỹ và lạm phát của Việt Nam đang là một điểm thuận lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước”, chuyên gia của VDSC nêu.
Theo các chuyên gia này, đối với nhà điều hành chính sách tại Việt Nam, việc theo dõi sát biến động và bản chất của những thay đổi của tình hình lãi suất, tỷ giá trong nước là điều cần thiết. Chẳng hạn, thời gian gần đây lãi suất trong nước cụ thể là lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động đang hình thành mặt bằng mới.
“Chúng tôi cho rằng điều này ít có sự liên thông với tác động đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed mà chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng mạnh sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế. Cho dù vậy, điều này sẽ cản trở mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”, nhóm chuyên gia cho biết.
Thứ ba, chuyên gia VDSC cho rằng, Việt Nam đang lệch pha về chính sách và tăng trưởng so với các quốc gia phát triển, chúng ta cũng khác với Trung Quốc vì ít có dư địa để kích thích tăng trưởng; việc cố gắng duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành để đối phó với rủi ro từ bên ngoài.
“Bắt mạch” biến động tỷ giá
Cuối năm 2021 đầu 2022, tỷ giá USD/VND có những đợt biến động rất mạnh. Và VND lên giá đáng chú ý hai năm gần đây. Thêm tác động mới của Fed, biến động tỷ giá sẽ theo kịch bản nào?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, Fed tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ tăng giá. Tuy nhiên, chuyên gia này dự đoán tỷ giá USD/VND có thể sẽ chỉ tăng nhẹ do kinh tế Việt Nam đang phục hồi.
Tăng trưởng GPD năm 2021 đạt khoảng 2% và dự báo có thể phục hồi lên mức 6,5% - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dự báo sẽ lên mức 3,4% - 3,7% năm 2022, cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư.
Đề cập tới những đợt biến động mạnh của tỷ giá cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các chuyên gia của VDSC nhận định là do ảnh hưởng cung - cầu ngoại tệ trong ngắn hạn hơn là tác động dài hạn của việc nâng lãi suất của Fed đối với tỷ giá USD/VND.
Đã có lúc, tỷ giá tăng gần 2%, sau khi sụt giảm gần 1% trước đó một tháng trong giai đoạn cuối năm 2021. Yếu tố gây tác động mạnh được cho là sự thay đổi bất ngờ trong nhu cầu USD của các khách hàng và Kho bạc Nhà nước đấu thầu mua USD. Sang tháng 1/2022, tỷ giá tiếp tục xu hướng giảm về mức 22.655 đồng, sát mức giá mua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NHNN đã đưa ra một số thay đổi trong chính sách điều hành trong tháng 1, bao gồm giảm tỷ giá mua/bán USD giao ngay 100 đồng về mức 22.550-23.050 đồng, và chuyển từ bán USD giao ngay sang bán USD kỳ hạn 3 tháng có hủy ngang vào ngày 21/02/2022.
Trong hai năm gần đây, VND đã tăng giá tốt so với USD nhờ nguồn cung USD dồi dào từ nguồn vốn FDI, xuất nhập khẩu và kiều hối, giúp NHNN cải thiện dự trữ ngoại hối và có nhiều dư địa duy trì tỷ giá theo mục tiêu nhiệm vụ được giao.
“Với những kỳ vọng mới về triển vọng nâng lãi suất của Fed, chúng tôi cho rằng áp lực đối với tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tăng nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát khoảng +/-1% trong năm 2022. Áp lực lên tỷ giá tăng vì đồng USD có xu hướng tăng giá trở lại, tuy nhiên cũng cần lưu ý là Việt Nam vẫn có những tấm đệm an toàn như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại được duy trì và kiều hối liên tục gia tăng”, nhóm chuyên gia VDSC nhận định.