Rủi ro máy bay quân sự Trung Quốc, Hàn Quốc chạm trán nhiều hơn
Giới chuyên gia dự đoán không quân Trung Quốc sẽ gia tăng hiện diện ở biển Hoa Đông theo dõi các động thái của Mỹ, tăng rủi ro chạm trán máy bay Hàn Quốc dù không tới mức xung đột.
Trả lời South China Morning Post, nhiều nhà phân tích quốc phòng khu vực đưa ra nhận định trên sau vụ đụng độ giữa máy bay Hàn Quốc và máy bay ném bom Nga trên vùng biển phía đông nước này ngày 23/7.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hàn Quốc (JCS) cáo buộc máy bay của Nga và Trung Quốc đi vào Vùng Nhận diện Phòng không Hàn Quốc (KADIZ). Máy bay do thám A-50 Nga đã hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc, buộc chiến đấu cơ của nước này bắn cảnh cáo 20 phát pháo sáng và 360 phát đạn.
Máy bay Nga, Trung Quốc cùng áp sát KADIZ
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ triệu tập đại diện của đại sứ quán Nga và Trung Quốc ở Seoul để gửi công hàm phản đối chính thức.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc phi công Hàn Quốc không liên lạc cảnh báo, còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản pháo KADIZ không phải không phận của Hàn Quốc và mọi nước đều được sử dụng vùng trời này.
Giới chức Hàn Quốc nói họ không rõ liệu các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc có phối hợp cùng nhay không. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vụ việc có thể chỉ là "trùng hợp" hoặc "ngẫu nhiên".
Yue Gang, cựu đại tá quân đội Trung Quốc, nhận định vùng chồng lấn ADIZ khiến máy bay chiến đấu hai nước khó tránh khỏi viễn cảnh chạm trán thường xuyên hơn.
"Quân đội Trung Quốc cũng có những sứ mệnh ở biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản. Máy bay quân sự của chúng tôi sẽ đi ngang qua ADIZ khi thực hiện sứ mệnh. Tuy nhiên, khó có khả năng xảy ra xung đột giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. ADIZ không phải là không phận quốc gia", ông đánh giá.
Theo Yue Gang, việc máy bay Trung Quốc và Nga cùng xuất hiện trong KADIZ vào ngày 23/7 có lẽ chỉ là sự tình cờ chứ không phải phối hợp từ trước. South China Morning Post không đề cập nhận định này của cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc dựa trên cơ sở nào.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Trung Quốc Zhou Chenming tiết lộ máy bay Nga và Trung Quốc vào thời điểm đó đang tham gia một cuộc diễn tập quốc tế định kỳ và việc xâm phạm không phận Hàn Quốc chỉ là tai nạn. Ông không loại trừ khả năng máy bay đi chệch hướng trong quá trình tập luyện.
Rủi ro chạm trán gia tăng
Đây cũng không phải lần đầu tiên máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập KADIZ trong thời gian qua.
Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do Hàn Quốc và Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông vào năm 2013 có một phần chồng lấn. KADIZ được Seoul mở rộng sau khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ mới ở biển Hoa Đông nhằm đáp trả Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên vùng biển.
Tháng 8/2018, máy bay Trung Quốc áp sát không phận phía nam Hàn Quốc buộc nước này điều động 10 chiến đấu cơ đến hộ tống. Trước đó 1 tháng, máy bay vận tải chiến thuật Y-9 của Trung Quốc cũng xâm phạm KADIZ, vờn trên các vùng biển ở phía nam và phía đông Hàn Quốc gần 4 tiếng trước khi đổi hướng. Máy bay Trung Quốc cũng sử dụng lộ trình bay tương tự trong những lần xâm nhập KADIZ vào tháng 2 và tháng 4/2018.
Tháng 12/2017, 5 máy bay quân sự Trung Quốc đã đi vào ADIZ Hàn Quốc ở phía tây nam đảo Ieodo (Socotra Rock). Seoul buộc phải điều động các chiến đấu cơ F-15K và KF-16 xuất kích ngăn chặn cho đến khi các máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực, theo Yonhap.
JCS khi đó mô tả chiến đấu cơ Hàn Quốc chỉ thực hiện "biện pháp chiến thuật thông thường”, tương tự mô tả hành động bắn cảnh cáo máy bay Nga lần này.
Nhà bình luận quốc phòng Ni Lexiong, làm việc tại Thượng Hải, nhận định vụ việc có thể nhằm gửi thông điệp Trung Quốc đang gia tăng theo dõi các hoạt động của Mỹ ở Đông Bắc Á.
"Đây cũng có thể là một thông điệp gửi tới Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, rằng chúng tôi đang ở cạnh nên đừng nghiêng quá nhiều về phía Mỹ, đặc biệt khi chiến tranh thương mại đang diễn ra", ông nói.