Rủi ro từ xe chở hàng cồng kềnh
Dù đã được cảnh báo, thế nhưng hiện nay trên các tuyến đường, tuyến phố không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển mô tô, xe máy mang vác, chở hàng hoặc kéo theo hàng hóa cồng kềnh, không được chằng buộc chắc chắn gây nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Thực tế đã có những vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra do xe chở hàng cồng kềnh gặp sự cố gây ra nỗi lo lắng, ám ảnh cho người đi đường.
Các loại hàng hóa được vận chuyển bằng xe kéo, xe tự chế thường không đủ các yếu tố đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, lần gần đây nhất vào khoảng giữa tháng 7 trên tuyến đường ngang Phan Thiết, chị đã chứng kiến một chiếc xe máy kéo theo xe thô sơ chở hàng cồng kềnh bị tuột dây buộc. Chiếc xe kéo chất đầy hàng hóa sau đó đã lao sang bên kia đường và đâm vào một chiếc xe máy gần đó. Vụ va chạm rất may không gây ra thiệt hại về người, nhưng cũng khiến những người chứng kiến hoang mang, lo sợ.
Bà Phạm Thị Hạnh, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, bên cạnh những chiếc xe kéo tự chế không đảm bảo thì việc người dân vận chuyển tôn, sắt, thép, tấm kính lớn… mà không được bọc hoặc không có yếu tố đảm bảo an toàn vẫn thường xuyên bắt gặp đi trên đường. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông do che khuất tầm nhìn hoặc hàng hóa công kềnh dễ dẫn đến va quệt mà còn khiến người mang vác hàng hóa khó xử lý tình huống phát sinh trên đường, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người tham gia giao thông.
Theo khoản 4, Điều 19, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét. Nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá quy định nêu trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh và bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định. Để xử lý vi phạm, đảm bảo tính răn đe, tại khoản 3, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Hiện toàn tỉnh có trên 619.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải quản lý. Ông Hoàng Hồng Thái, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, để tăng cường công tác đảm bảo ATGT, ngăn chặn tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Trước hết đó là nhận thức được sự nguy hiểm khi mang vác, kéo theo hàng hóa cồng kềnh. Nếu cần vận chuyển hàng hóa phải tuyệt đối tuân thủ khổ giới hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp chở theo các vật sắc nhọn cần che chắn, bọc các góc cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Đối với những mặt hàng dễ vỡ, cần được bọc kín, chằng dây an toàn chắc chắn, tránh để tình trạng rơi rớt tạo thành vật cản trên đường.