Rủi ro với nghề báo ở Mexico
Mexico là một trong những quốc gia có danh sách nhà báo bị sát hại nhiều nhất trên thế giới. Cuối tuần trước, một phóng viên đã bị giết trong bối cảnh dân chúng quá lo ngại về tội phạm và bạo lực.
Vụ sát hại mới nhất
Ông Luis Martin Sanchez Iniguez, 59 tuổi, phóng viên của tờ La Jornada đã bị bắt cóc ở bang Nayarit của Mexico hôm 5-7 và được phát hiện đã chết sau đó 3 ngày. Thi thể của nhà báo Sanchez Iniguez được tìm thấy quấn trong nilon, hai tay bị trói, một thông điệp được ghim vào ngực bằng dao. Nhà chức trách không tiết lộ nội dung của dòng tin nhắn để lại, nhưng những ghi chú như vậy thường được các băng đảng ma túy để lại cùng với thi thể nạn nhân. Ông là phóng viên thứ ba của nhật báo La Jornada bị sát hại trong thời gian gần đây và là người thứ hai vào năm 2023.
Theo Tổng chưởng lý của Mexico Alejandro Gertz Manero, hai chuyên gia truyền thông khác đã mất tích trong vài ngày qua. Trong khi một người được tìm thấy còn sống, người kia vẫn biệt tăm tích. Người ta nghi ngờ rằng hai trường hợp này có liên quan đến nhau.
Ở Mexico, bạo lực nhắm vào các nhà báo đã gia tăng đến mức nước này hiện giữ một kỷ lục đáng buồn. Nhiều tổ chức, bao gồm Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), đã coi Mexico là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo ở Bắc và Nam Mỹ. Năm 2022, Mexico là quốc gia có nhiều nhà báo bị sát hại nhất trên toàn thế giới. Ngoài các vụ giết người, các tổ chức nhân quyền như Article 19 cũng theo dõi các cuộc tấn công hàng ngày nhằm vào các nhà báo và nhận thấy rằng, vào tháng 6-2022, cứ 14 giờ đồng hồ lại có một nhà báo hoặc cơ quan truyền thông bị tấn công ở Mexico. Article 19 thống kê rằng, kể từ năm 2007, các cuộc tấn công nhắm vào truyền thông không ít vụ đến từ chính quyền Mexico ở các cấp như liên bang, tiểu bang, cộng đồng hoặc địa phương.
Vụ sát hại nhà báo Mexico đầu tiên được ghi nhận là từ năm 1860. Ông Vicente Segura Arguelles, người đồng sáng lập tạp chí châm biếm Don Simplicio, đại diện của báo chí chính trị-bảo thủ, đã bị bắn ở thành phố Mexico. Riêng kể từ khi Tổng thống đương nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức vào năm 2018, 44 nhà báo đã bị sát hại.
Hệ lụy cho cả thế hệ mai sau
May mắn cũng có nhiều người thoát nạn. Vào ngày 15-12-2022, nhóm tay súng đi trên xe máy đã bắn vào xe người dẫn tin tức Ciro Gomez Leyva ở Thủ đô Mexico. Nhờ chiếc xe có vỏ chống đạn mà nạn nhân tránh được 3 phát đạn trực diện. “Chúng tôi biết đang theo đuổi nghề báo ở một đất nước đầy bạo lực và nguy hiểm”, ông Gomez Leyva cho biết vào thời điểm đó nhưng lưu ý rằng, bạo lực thường nhắm vào các nhà báo địa phương và các cơ quan truyền thông nhỏ hơn là các nhà báo nổi tiếng làm việc cho các cơ quan truyền thông lớn nhất của Mexico.
Đây có phải là một cuộc tấn công trực tiếp vào ông Gomez Leyva, hay một cuộc tấn công thông thường ở một đất nước bị tàn phá bởi bạo lực mỗi ngày? Năm 2022, Mexico ghi nhận hơn 30.000 vụ giết người và hơn 109.000 người mất tích. “Không có gì chắc chắn cả”, nhà báo Gomez Leyva dè dặt nói.
Bạo lực dường như đã trở nên phổ biến đến mức người dân Mexico tỏ ra rất ít phẫn nộ và thậm chí còn ít phản đối hơn. “Miễn là tôi và gia đình tôi an toàn, chuyện gì xảy ra xung quanh tôi không quan trọng. Sự thờ ơ này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho tội phạm và dẫn đến nhiều bạo lực hơn đối với tất cả chúng ta, bao gồm cả các nhà báo”, nhà báo điều tra Anabel Hernandez nhìn nhận.
“Việc một bộ phận thích sử dụng bạo lực để đe dọa và khuất phục buộc một quốc gia phải quỳ gối trước họ sẽ để lại hậu quả cho các thế hệ mai sau”, bà Hernandez, người đã giành được Giải thưởng Tự do ngôn luận của DW năm 2019, kết luận. Giống như Gomez Leyva, bà Hernandez rất nổi tiếng ở Mexico. Bà lập luận rằng, những tiến bộ mà Mexcio đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền trong những thập kỷ qua hiện đang bị đe dọa, không chỉ gây nguy hiểm cho báo chí mà còn cả nền dân chủ của quốc gia.
Theo DW
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/rui-ro-voi-nghe-bao-o-mexico-post545762.antd