Rừng bần cổ thụ quý hiếm độc nhất Việt Nam gần như bị xóa sổ

Quý, hiếm và quan trọng ở nhiều khía cạnh, thế nhưng rừng bần cổ thụ được cho là duy nhất Việt Nam tại Khánh Hòa bị xâm hại suốt hàng chục năm qua và hiện đã gần như biến mất.

Rừng bần Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, được nhìn nhận là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là rừng bần cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Việt Nam.

Ngoài các giá trị về sinh học, lịch sử và cảnh quan, vai trò của rừng ngập mặn Tuần Lễ cũng được ghi nhận là quan trọng, trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão… Ngoài ra, đây còn là ngôi nhà nuôi dưỡng các loại thủy sinh ven bờ.

Quý, hiếm và “độc” là thế, nhưng lâu nay, rừng này bị xâm hại trong thời gian dài và đang dần biến mất.

 Những cây bần cổ thụ cuối cùng bị bức tử (chụp ngày 14/8). Ảnh: NH.

Những cây bần cổ thụ cuối cùng bị bức tử (chụp ngày 14/8). Ảnh: NH.

 Những vạt rừng ngập mặn còn lại ở Tuần Lễ tiếp tục bị chặt phá (chụp ngày 14/8). Ảnh: NH.

Những vạt rừng ngập mặn còn lại ở Tuần Lễ tiếp tục bị chặt phá (chụp ngày 14/8). Ảnh: NH.

Hai mươi năm trước, để cứu rừng bần cổ thụ trước nguy cơ bị xóa sổ, tỉnh Khánh Hòa đã giao huyện Vạn Ninh lên phương án bảo vệ. Khoảng 20ha rừng ngập mặn tại Tuần Lễ đã được quy hoạch, phân vùng; gần 500 cây bần cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi, hình dáng tựa những cây bon sai, được đánh số, treo biển để theo dõi, quản lý; đồng thời được khoanh nuôi, trồng dặm bổ sung.

Các đường ngang cắt qua khu rừng được phá bỏ, thủy triều được khơi thông để dẫn nước mặn vào nuôi rừng.

Rừng được giao khoán cho các hộ dân trong thôn quản lý, mỗi hộ 0,5ha. UBND xã Vạn Thọ cũng đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người.

 Ngập trong rác và nước thải tù đọng. Ảnh: NH.

Ngập trong rác và nước thải tù đọng. Ảnh: NH.

 Những vườn dừa mọc lên trên phần mặt nước rừng ngập mặn. Ảnh: NH.

Những vườn dừa mọc lên trên phần mặt nước rừng ngập mặn. Ảnh: NH.

Người dân nhận khoán được trả tiền giao khoán rừng, các tổ bảo vệ cũng được cấp kinh phí hàng năm để hoạt động. Đáng tiếc, cách thức này duy trì được vài năm rồi tan rã, hoạt động bảo vệ rừng “đầu voi đuôi chuột” và đến chỗ gần như bị buông lỏng.

Quản lý lơi lỏng, dân lại quay ra lấn chiếm. Khu mặt nước sát tuyến đường nối QL1- Đầm Môn được đổ cát lấp dần để làm nhà, làm vườn. Cùng với việc diện tích rừng ngập mặn thu hẹp dần, nhà cửa mọc lên ngày một dày. Những vườn dừa cũng nhanh chóng hình thành, lên xanh, khép tán.

Những đìa nuôi tôm phía ngoài cản trở dòng thủy triều, vốn cần thiết cho quá trình sinh trưởng phát triển của rừng ngập mặn, không những không được giải tỏa mà được tiếp tục duy trì và mở rộng, bờ đìa áp sát rẻo đất rừng hẹp chạy dọc thôn.

Từ chỗ có khoảng 500 cây bần cổ thụ, hiện số cây còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: NH.

Từ chỗ có khoảng 500 cây bần cổ thụ, hiện số cây còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: NH.

Sau khi đường nối QL1- Đầm Môn được nâng cấp to đẹp thì rẻo rừng ngập mặn ven tuyến đường cũng gần như xóa sổ. Ảnh: NH.

Sau khi đường nối QL1- Đầm Môn được nâng cấp to đẹp thì rẻo rừng ngập mặn ven tuyến đường cũng gần như xóa sổ. Ảnh: NH.

Tháng 4/2015, UBND xã Vạn Thọ kiện toàn bộ máy quản lý- bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ, gồm 6 thành viên, trong đó một Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Kinh phí hoạt động của tổ là 17 triệu đồng/năm. Nhưng, nỗ lực nửa vời và thiếu quyết liệt đã không giúp giữ hiệu quả khu rừng.

Báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh thời điểm tháng 9/2016, ghi nhận, rừng ngập mặn tại xã Vạn Thọ là 18 ha và chưa có chủ!

Chỉ còn vài cây bần cổ thụ còn sót lại. Video: NH.

Trong khi đó, báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh thời điểm đầu năm 2017, dẫn nguồn kiểm kê rừng xã Vạn Thọ năm 2016 cho biết, rừng ngập mặn Tuần Lễ còn khoảng 11,8 ha. Tuy nhiên đây là diện tích rừng bần nói chung, chủ yếu là bần non. Số cây bần cổ thụ còn lại chỉ là trên 120 cây.

 Cây bần cổ thụ bị bức tử (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

Cây bần cổ thụ bị bức tử (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

 Dù được đánh số để quản lý, bảo vệ, nhưng những cây bần cổ thụ vẫn ngang nhiên bị xâm phạm (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

Dù được đánh số để quản lý, bảo vệ, nhưng những cây bần cổ thụ vẫn ngang nhiên bị xâm phạm (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

Cuối tháng 3/2017, ông Lê Xuân Thân, khi đó là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thị sát rừng ngập mặn Tuần Lễ.

Trước thực trạng đáng buồn về rừng bần Tuần Lễ, ông Thân phát biểu, nói, cơ chế bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Tuần Lễ hiện nay, huyện giao cho xã, xã khoán cho các hộ dân nhưng không quản lý được. Do đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng nhất để bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là chính quyền và người dân phải cùng vào cuộc.

 Khi có dự án mở rộng đường nối QL1- Đầm Môn thì việc san lấp, lấn chiếm đất rừng ngập mặn diễn ra ồ ạt (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

Khi có dự án mở rộng đường nối QL1- Đầm Môn thì việc san lấp, lấn chiếm đất rừng ngập mặn diễn ra ồ ạt (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

 Nhà cửa, vườn và đìa nuôi tôm vây kín rừng ngập mặn khiến nước biển không thể xâm nhập (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

Nhà cửa, vườn và đìa nuôi tôm vây kín rừng ngập mặn khiến nước biển không thể xâm nhập (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

“Qua thực tế, việc đìa tôm phát triển bên ngoài, bên trong là rừng ngập mặn, bên trong nữa là khu dân cư là rất bất cập, phát sinh nhiều vấn đề khiến hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tổn hại nghiêm trọng. Về vấn đề quy hoạch, cần xác định lại, khu vực nào dành cho bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, khu vực nào nuôi tôm, khu vực nào trồng dừa, có như thế mới có thể bảo vệ được rừng ngập mặn Tuần Lễ.”, ông Thân nói.

Quan sát của phóng viên tại hiện trường tại thời điểm giữa tháng 8, khi con đường nối QL1 với Đầm Môn chạy qua khu rừng đã hoàn thành nâng cấp, to đẹp (điều khiến khu đất mà nó chạy qua trở nên giá trị hơn), rừng bần cổ thụ Tuần Lễ gần như đã bị xóa sổ, chỉ còn một số cây hiện nằm xa khu dân cư.

 Rừng ngặp mặn Tuần Lễ bị chặt phá, san lấp (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

Rừng ngặp mặn Tuần Lễ bị chặt phá, san lấp (ảnh chụp tháng 4/2017). Ảnh: NH.

 Cùng với việc lấn chiếm đất là nạn mua bán, sang tay (ảnh chụp tháng 4/2020). Ảnh: NH.

Cùng với việc lấn chiếm đất là nạn mua bán, sang tay (ảnh chụp tháng 4/2020). Ảnh: NH.

Phần giáp đường lộ, rừng hầu như đã bị lấn chiếm làm nhà. Trên nền đất vốn quy hoạch rừng ngập mặn, nhà cửa đã mọc lên san sát.

Phía giáp biển, rừng bị đìa tôm bao vây. Bần thích hợp với điều kiện bán nhật triều (thủy triều lên xuống 2 lần trong ngày) nhưng ở Tuần Lễ, rừng ngập mặn đã bị cô lập hoàn toàn, nước biển từ lâu đã không thể xâm nhập.

Rừng ngập mặn Tuần Lễ chỉ còn lại vài vạt rừng non len lỏi và bị cô lập giữa nhà cửa và đìa nuôi tôm.

 Rừng ngập mặn Tuần Lễ chụp tháng 4/2020. Ảnh: NH.

Rừng ngập mặn Tuần Lễ chụp tháng 4/2020. Ảnh: NH.

Từng có nhiều biện pháp triển khai để bảo vệ rừng bần cổ thụ Tuần Lễ (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

Từng có nhiều biện pháp triển khai để bảo vệ rừng bần cổ thụ Tuần Lễ (ảnh chụp trước 2010). Ảnh: NH.

Diện tích rừng ít ỏi này, một mặt đang tiếp tục bị chặt phá, san lấp, lấn chiếm; mặt khác bị bức tử, đầu độc khi là nơi xả rác và tích tụ nước thải, nơi luôn hiện hữu dòng nước thải đen sánh nặng mùi rỉ ra từng khu dân cư.

Cùng với việc bị cô lập, cắt nguồn dưỡng chất và “nhốt” trong môi trường ô nhiễm, những cây bần cổ thụ cuối cùng đang chết dần. Số phận rừng bần cổ thụ Tuần Lễ hiếm hoi có thể nói đã được định đoạt và khó có cơ hội hồi sinh.

V.H

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/rung-ban-co-thu-quy-hiem-doc-nhat-viet-nam-gan-nhu-bi-xoa-so-144216.html