Rừng cao ốc bít lối thoát nước của 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh
Phần đất tự nhiên khu Nguyễn Hữu Cảnh bị san lấp để làm dự án. Bị 'bít lối', nước không còn cách nào thoát nên tràn lên đường gây ngập úng.
Hơn 10 năm sống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng là ngần đó thời gian căn nhà cấp 4 của anh Nguyễn Thanh Hải “chìm nổi” cùng con đường này. Từng nâng nền nhà thêm 1 m nhưng chưa năm nào nhà anh không cảnh bì bõm.
“Đường lún, nền nhà cũng lún theo. Nhà bị nứt, phải lắp thêm cột chống từ 5-6 năm nay. Sắp tới nâng đường xong là lại phải nâng nhà lên tiếp”, anh Hải than thở rằng chỉ muốn bỏ rời bỏ con đường được xem là “rốn ngập” của TP.HCM hơn một thập kỷ qua.
Bỏ chạy khỏi Nguyễn Hữu Cảnh
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng năm 2002 với vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng, là con đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM.
Dọc hai bên đường, bên cạnh những căn nhà, khu căn hộ cao hơn mặt đường hẳn khoảng 1,5 m vẫn còn những ngôi nhà bị "nuốt chửng" tầng 1. Anh Hải kể rằng nhiều gia đình đã bỏ chạy khỏi đường Nguyễn Hữu Cảnh vì ngập nước. Gia đình anh buôn bán ở đây lâu năm, sợ ảnh hưởng đến thương hiệu nên cố bám trụ.
“Mình bán hàng mây tre đan nên có trận mưa là khổ lắm. Ngập thì mình lấy bao cát kè lại nhưng xe cộ đi ngoài đường tạt nước vào là không đối phó được. Mùa mưa thiệt hại không biết bao nhiêu tiền vì đồ mây tre này ngâm nước thì chỉ có bỏ đi”, người đàn ông 40 tuổi kể khi trận mưa chiều sắp ập xuống.
Tháng 10/2019, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã khởi công dự án sửa chữa nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư hơn 470 tỷ đồng. Dự án này sẽ nâng mặt đường 0,3-0,5 m. Riêng đoạn trước khu vực tòa nhà The Manor đến chân cầu Sài Gòn có nơi phải nâng đến 1,2 m. Khi dự án hoàn thành, có 63 hộ dân có nhà thấp hơn đường 15 cm và 68 nhà thấp hơn mặt đường 30-50 cm.
Chung cư The Manor hiện cao hơn mặt đường khoảng 1,5 m nên không bị ảnh hưởng nhiều khi đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng thêm 1,2 m. Nhưng khu vực xung quanh sẽ tiếp tục cảnh bì bõm. Bà con khu phố này đã bàn bạc chuyện nâng hẻm sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh sửa chữa xong.
“Có lúc cũng muốn đi chỗ khác, nhưng lại nghĩ nhà mình ở đây 5 đời rồi, cũng không đành”, chị Mai Hữu Nguyên (39 tuổi) tâm sự. Xe chết máy, người ngã nhào vì đường ngập vẫn xảy ra nhưng chị đã bớt bi quan từ khi nơi đây lắp đặt siêu máy bơm giúp nước rút sau 30 phút thay vì 2-3 giờ như trước đây.
3,7 km đường, 6 khu phức hợp
Năm 2017, thành phố ký hợp đồng trị giá 14 tỷ/năm thuê máy bơm công suất 97.000 m3/giờ của Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung nhằm chống ngập.
Theo chị Nguyên, mức nước phải đến gần đầu gối thì siêu máy bơm mới bắt đầu chạy. “Quan sát các cống thấy xoáy nước lớn là mình biết máy bơm chạy rồi”, chị Nguyên cho hay.
TS Hồ Long Phi lý giải đây chính là điểm không hợp lý trong cách vận hành của siêu máy bơm này. Theo ông Long, máy bơm là phải hút nước từ bể chứa mới đủ nước để hoạt động. Còn siêu máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đang hút nước trực tiếp từ đường phố nên khi thiếu nước, máy bơm sẽ không vận hành.
“Hết mưa đương nhiên sẽ hết ngập và hết nhanh hơn khi có máy bơm là đúng. Nhưng không bao giờ đạt được chuyện hết ngập hẳn mà chỉ giảm ngập”, TS Phi nhận định và cho rằng tương tự khu Thảo Điền, đường Nguyễn Hữu Cảnh phải có hồ điều tiết thì mới hy vọng thoát ngập. Nhưng trong bối cảnh mọi khu đất dọc đường này đều đã có chủ, khó lòng có đơn vị sẵn sàng hy sinh không gian để làm hồ điều tiết ở đây.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện có 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Các dự án nằm trên trục đường này gồm: The Manor, Saigon Pearl, Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, SunWah Pearl và Centennial Bason. Các dự án đều được xếp trong nhóm chung cư trung và cao cấp với giá trong khoảng 70-90 triệu đồng/m2 hoặc 100-200 triệu đồng/m2.
Theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cách quy hoạch này của đường Nguyễn Hữu Cảnh chính là bài học không thể sửa chữa của TP.HCM.
Trước kia, khu vực này hệ thống đất và cây cối tự nhiên hút nước. Sau này, dân cư đào mương, tạo cồn đất trũng để chứa nước. Nhưng giờ đây tất cả đều bị san lấp bằng bê tông. Nước bị "bít lối", không còn cách nào thoát được thì tràn lên đường.
"Xu hướng xây dựng của mình là nhà đầu tư cứ lo chạy được dự án còn sau này xảy ra ngập lụt họ mới đẩy lại cho Nhà nước lo. Mà Nhà nước lo tức là dân lo", chuyên gia nêu vấn đề.
"Nhà đầu tư chỉ biết đến dự án của mình"
TS Thắng cho rằng Nguyễn Hữu Cảnh là chuyện đã rồi nhưng TP.HCM cần rút ra bài học quy hoạch và quản lý cho những khu đô thị vệ tinh sau này.
Thứ nhất, nếu là khu dân cư phải có hệ thống cống rãnh thoát nước với tầm nhìn 30 năm trở lên. Thứ hai, thành phố không cần hạn chế chung cư cao tầng nhưng khi cấp giấy phép xây dựng cần có điều kiện kèm theo. Đó là ràng buộc nghĩa vụ cùng Nhà nước xây dựng hệ thống đảm bảo chống ngập chứ không chỉ tranh thủ có được dự án rồi thôi.
"Nếu không ràng buộc họ từ đầu thì họ có quyền thoái thác. Đây là kinh nghiệm cho khu phức hợp sau này nếu không sẽ còn lặp lại nhiều Nguyễn Hữu Cảnh, dẫn đến tình trạng mọi người tranh thủ xây thật cao, thật đẹp để thu tiền cho sớm nhưng chất lượng để phát triển bền vững thì không bảo đảm được", ông Thắng đề xuất.
Bài học mà TS Thắng nói đến cũng là vấn đề Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã sớm nhìn ra. Ông Hoan cho rằng "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh hay Thảo Điền đều có điểm chung là nhà đầu tư "tham vọng lớn" nhưng làm đường nhỏ, hạ tầng không tốt, cốt nền không đủ rồi bán nhà cho người dân mua dẫn đến hậu quả phát triển không đúng quy hoạch.
Theo ông Hoan, về nguyên tắc, nhà đầu tư phải làm theo đúng quy hoạch nhưng trong điều kiện quá khó khăn về mặt địa điểm, quy mô nhỏ nhưng vị trí rất quan trọng nên nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư nhiều, rộng.
"Phải nói là trong chừng mực nào đó, họ có vẻ quan tâm đến dự án của họ nhiều hơn nên khi triển khai dự án họ chỉ lo thuần túy phần trong của họ, còn phần ngoài thì họ để lại cho Nhà nước", ông Hoan chỉ ra.
Lãnh đạo UBND cho biết đây chính là điểm khó của thành phố. Ngân sách khó khăn nhưng nhà đầu tư chưa chia sẻ, chỉ biết đến dự án của mình. Ông Hoan thừa nhận đây chính là bài học cho thành phố đề phát triển những khu đô thị lớn sau này.