Rừng ít dần trong phố Đà Lạt
Cùng với lượng du khách đến Đà Lạt tăng mạnh những năm gần đây, số lượng phương tiện lưu thông cũng tăng theo khiến cho hạ tầng giao thông của thành phố này chịu nhiều áp lực. Một giải pháp được tỉnh Lâm Đồng đưa ra là mở rộng đường.
Tuy nhiên, mở rộng đường giao thông đồng nghĩa với việc lấy vào không gian vỉa hè vốn có những hàng cây xanh nhiều năm tuổi. Khi nâng cấp mở rộng một số tuyến đường, cây xanh bị cưa hạ, di dời, nhưng số lượng cây xanh được trồng bù đắp, thay thế không tương xứng. Mới đây, tại dự án nâng cấp mở rộng đường Lê Hồng Phong, thành phố đã phải chặt hạ 52 cây sò đo cam, di dời 1 cây pơ mu, 1 cây mai anh đào.
Lý do được ngành chức năng đưa ra là một số cây có dấu hiệu mục thân, khả năng tái sinh rễ kém, việc di dời để trồng lại, chăm sóc không khả thi. Chính quyền địa phương sẽ trồng “bù” 260 cây xanh các loại để tôn tạo cảnh quan, môi trường (tương ứng chặt 1 cây sẽ trồng thay thế 5 cây), nhưng phải mất hơn 20 năm sau mới biết được liệu cây có sinh trưởng tốt và tạo mảng xanh thay thế hay không!
Tương tự, tại dự án nâng cấp mở rộng đường Hoàng Văn Thụ đang được triển khai, thành phố cũng đề xuất chặt hạ 180 cây xanh, trong đó có 62 cây sò đo cam (đường kính 20-30 cm), 10 cây gỗ tạp (đường kính trung bình 27 cm), đặc biệt có 108 cây thông ba lá đường kính trung bình 47 cm, cao 15m. Để đạt được kích thước lớn như vậy, cây thông ba lá phải mất hàng chục năm sinh trưởng, trong khi đây lại là loài cây gắn liền đặc trưng của thành phố này. Đồng thời, nếu tiếp tục chặt số lượng cây lớn trong khu vực trung tâm thành phố vốn đã giảm mạnh mảng xanh trong thời gian qua, sẽ khiến không gian nội đô Đà Lạt càng nặng nề bởi bê-tông, trong khi mật độ xây dựng ngày càng tăng, không gian sân vườn ngày càng thu hẹp.
Từ nhiều năm trước, Đà Lạt hướng đến không gian đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, đồng thời Quyết định số 257 ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận đến năm 2045, cũng định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan. Trong đó, cùng với các giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, “phố trong rừng, rừng trong phố” là yếu tố sống còn cần tiếp tục được bảo tồn, phát triển Đà Lạt trở thành đô thị xanh trực thuộc Trung ương.
Nếu cứ tiếp tục chặt hạ cây xanh đang độ trưởng thành để giải quyết vấn đề hạ tầng giống như cách nhiều đô thị lớn khác từng làm, thì mục tiêu “rừng trong phố” của Đà Lạt sẽ khó thành hiện thực ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/rung-it-dan-trong-pho-da-lat-post847316.html