Rưng rưng tháng tư
Có lẽ, không có tháng nào trong năm lại khiến lòng người Việt Nam rung động như tháng tư.

Hợp luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh mừng ngày thống nhất đất nước
Gió tháng tư thổi mơn man trên cánh đồng lúa đang thì con gái, mang theo mùi thơm của đất, của trời và cả âm vang của những ngày thống nhất năm nào.
Có lẽ, không có tháng nào trong năm lại khiến lòng người Việt lại rung động như tháng tư. Tháng của nắng vàng rực rỡ, của những hàng phượng bắt đầu chớm nụ và tháng của những ký ức chẳng thể phai mờ trong tâm khảm của cả một dân tộc ta.
Tôi còn nhớ rõ, lần đầu tiên nghe bài hát "Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà là trong một buổi sinh hoạt ở trường. Cô giáo chủ nhiệm kể cho chúng tôi nghe về ngày thống nhất non sông, ngày giải phóng miền Nam. Rồi cô bấm nút phát chiếc đài cũ. Những giai điệu hào hùng vang lên khiến lũ học trò nhỏ chúng tôi ngẩn người. Khi cô bảo đó là bài hát viết về niềm vui thống nhất đất nước, tôi khi ấy chưa hiểu hết. Chỉ cảm nhận một điều gì đó rất lớn lao, thiêng liêng.
Lớn lên, tôi dần hiểu, thống nhất không chỉ là một khái niệm địa lý khi hai miền Nam - Bắc không còn chia cắt mà là sự hòa quyện máu thịt, là khát vọng ngàn đời của bao thế hệ người Việt.
Trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, có biết bao người mẹ tiễn con ra trận, bao người vợ chờ chồng, bao đứa trẻ sinh ra chưa kịp thấy mặt cha. Họ đã sống, đã chịu đựng, đã hy sinh, tất cả vì một ngày được thấy dải đất hình chữ S liền một dải, không còn giới tuyến, không còn hận thù.
Người dân Việt Nam vốn coi trọng tình thân. Câu chuyện về những đôi vợ chồng từ hai miền và về những lá thư đi qua rừng núi, vượt bao cánh đồng để đến tay người thương... là những minh chứng sống động cho một tình yêu lớn hơn tình cá nhân, đó là tình yêu đất nước. Bài hát "Đất nước trọn niềm vui" tôi từng nghe và đã nghe đi nghe lại nhiều lần quả là một khúc tráng ca không chỉ của thời đại, mà còn của mỗi người dân Việt.
Ngày thống nhất đất nước không chỉ là ngày ghi dấu trong lịch sử, mà còn là ngày tái sinh của niềm tin. Niềm tin rằng, sau chiến tranh là hòa bình, sau đau thương là hạnh phúc và sau chia cắt là đoàn tụ, thống nhất. Đó cũng là ngày bắt đầu đưa đất nước vươn lên từ đống tro tàn của chiến tranh.
Ngày nay, khi thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, bài học về thống nhất không chỉ nằm trong sách giáo khoa, mà còn nằm trong từng nếp sống, từng câu chuyện gia đình, từng bài hát cất lên vào những ngày lễ trọng. Giống như cách bài hát "Đất nước trọn niềm vui" vẫn được mở đều đặn trên sóng phát thanh như một nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu lắng về tự do, hòa bình, thống nhất. Tất cả đều là kết quả của máu xương và khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc.
Ở làng tôi, cứ đến tháng tư, người ta lại tổ chức họp mặt các cựu chiến binh. Không rầm rộ, không hình thức, chỉ là một góc sân nhỏ, vài chiếc ghế nhựa và ấm trà nóng. Ấy vậy mà câu chuyện cứ dài mãi. Họ kể về những trận đánh, về người đồng đội đã ngã xuống và không quên ngân nga những câu hát cũ. Trong không khí mộc mạc ấy, những bài ca thống nhất không chỉ là những bài hát mà là linh hồn, là nhịp đập chung của bao thế hệ con người Việt Nam.
Mỗi lần nghe lại những ca khúc về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tôi lại thấy một dòng sông Hương trong veo, một đèo Hải Vân mây trắng bảng lảng, một đất Sài Gòn rực nắng. Thấy cả Tổ quốc vẹn tròn trong tim.
Và rồi, tôi chợt mỉm cười khi nghĩ đến một điều giản dị, dù sống ở đâu, làm nghề gì, nói giọng Nam hay Bắc, chỉ cần cùng hát bài hát ấy là chúng ta đã thuộc về nhau trong một đất nước thống nhất.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/rung-rung-thang-tu-410083.html