Liên tiếp đợt phim chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước
Trong không khí cả nước hướng về những dấu mốc trọng đại, Đợt phim kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) là dịp để khán giả tri ân, tưởng nhớ những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc.

"Vầng trăng thơ ấu" là bộ phim nổi bật được chiếu trong đợt phim kỷ niệm.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1054/QĐ-BVHTTDL ngày 17/4/2025, chính thức phát động "Đợt phim kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và các ngày lễ lớn 1/5, 7/5 năm 2025". Đợt phim diễn ra từ ngày 30/4 đến 20/5 trên phạm vi toàn quốc, dưới sự chủ trì của Cục Điện ảnh.
Bên cạnh mục tiêu trình chiếu phim, đợt phim còn có vai trò khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Thông qua những thước phim được đầu tư nghiêm túc, đa dạng về thể loại và phong cách, khán giả sẽ có cơ hội sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc, từ kháng chiến gian khổ đến ngày non sông liền một dải.
Sự kiện có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị trong ngành điện ảnh, như: Công ty cổ phần phim Giải Phóng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... và các trung tâm điện ảnh, văn hóa, phát hành phim ở các tỉnh thành trên cả nước nhằm tạo sức lan tỏa đồng bộ, giúp đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng, không chỉ ở đô thị mà cả vùng sâu, miền xa.

Các tác phẩm điện ảnh tập trung khắc họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Điểm đặc biệt trong đợt phim năm nay là yếu tố cân bằng giữa lịch sử và tính nghệ thuật. Các bộ phim mang đến nguồn tư liệu quý giá, đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ về tình yêu quê hương, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm của thế hệ cha ông ta-những con người đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Bên cạnh đó, ngày Quốc tế Lao động (1/5) và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) cũng được lồng ghép trong chuỗi hoạt động, cho thấy nỗ lực tổng thể nhằm tôn vinh các mốc son trong lịch sử Việt Nam hiện đại với những dấu ấn không thể tách rời trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Các tác phẩm điện ảnh trong đợt phim được kỳ vọng tác động vào cảm xúc, đánh thức trách nhiệm tiếp nối, gìn giữ và phát triển những giá trị mà lịch sử để lại. Khi khán giả trẻ tiếp cận những bộ phim lịch sử, họ hiểu hơn về quá khứ, gắn bó thêm vai trò của mình trong hiện tại và tương lai.
Trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc thuộc Lễ hội Làng Sen năm 2025, "Tuần phim kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)" là điểm nhấn đặc biệt. Diễn ra từ ngày 12 đến 15/5 tại tỉnh Nghệ An, quê hương của Bác Hồ, tuần phim do Cục Điện ảnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị điện ảnh thực hiện, hướng tới tưởng nhớ và tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảnh trong phim "Vầng trăng thơ ấu".
Ban tổ chức thông tin, lễ khai mạc chính thức diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 12/5 tại Nhà hát Dân ca Nghệ An. Mở màn là bộ phim truyện "Vầng trăng thơ ấu", một tác phẩm được đầu tư ngân sách nhà nước, do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất. Bộ phim mang đến những góc nhìn chân thực và cảm động về thời niên thiếu của Bác Hồ, từ đó khắc họa những nền tảng đạo đức, tư tưởng đã sớm hình thành trong con người vĩ đại.
Các phim được lựa chọn chiếu trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước đều được đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật; đa dạng về thể loại: phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình.
"Vầng trăng thơ ấu" ấn tượng trong khắc họa thời niên thiếu đầy gian khó của Chủ tịch Hồ Chí Minh-cậu bé Nguyễn Sinh Cung, trong một gia đình nhà nho nghèo; tôn vinh tình mẫu tử sâu nặng và những giá trị truyền thống đã hun đúc nên nhân cách một lãnh tụ cách mạng vĩ đại.
"Đào, phở và piano" lấy bối cảnh 60 ngày đêm chiến đấu giữa Thủ đô Hà Nội (1946-1947). Bộ phim lồng ghép chuyện tình cảm động giữa một chiến sĩ dân quân và cô tiểu thư Hà Nội trong khói lửa chiến tranh. Tác phẩm tôn vinh tinh thần quyết tử và tình yêu giữa thời bom đạn.
Phim tài liệu "Đại đội 915-Sáng mãi bản hùng ca màu lửa" do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất đã tái hiện sự kiện bi tráng khi 60 thanh niên xung phong Bắc Thái hy sinh tại ga Lưu Xá (1972). Bộ phim ca ngợi tinh thần quật cường, ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả vì độc lập, thống nhất đất nước.
Cùng đơn vị sản xuất, phim tài liệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô ngàn năm văn hiến" tổng hợp các tư liệu quý về tình cảm sâu sắc của Bác Hồ dành cho Hà Nội, thể hiện sự gắn bó giữa vị Lãnh tụ với Thủ đô trong công cuộc xây dựng và phát triển. "Trong lòng thành phố tôi yêu" khắc họa hình ảnh những người lao động âm thầm dưới lòng đất - những công nhân thoát nước, hạ tầng đô thị… vẫn luôn lạc quan, yêu nghề và cống hiến...
Điện ảnh Quân đội nhân dân mang đến các bộ phim tài liệu ấn tượng, như "Thống nhất đất nước-Con đường đã chọn", khắc họa Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử-trận đánh cuối cùng giải phóng miền nam và thống nhất đất nước. Phim tái hiện quy mô, ý nghĩa và sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc; "Tỉnh thức và hóa giải" tập trung về sự kiện hơn 1.500 binh sĩ chế độ cũ buông súng trở về với nhân dân năm 1972. Bộ phim phản ánh khát vọng hòa bình, tinh thần hòa giải dân tộc và chính nghĩa cách mạng; "Những nét vẽ từ trái tim" khám phá các bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhiều họa sĩ nổi tiếng, trong đó có tác phẩm "Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập". Tác phẩm là sự giao thoa giữa nghệ thuật và lịch sử.
Các phim hoạt hình, gồm có: "Tiếng cồng núi Nưa", dựa trên khởi nghĩa Bà Triệu, phim tôn vinh tinh thần quật khởi, khí phách và lòng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm; "Cây ước vọng", câu chuyện cảm động về tình bạn, sự cảm thông và trưởng thành của các em học sinh tiểu học thông qua biểu tượng gửi gắm mong ước và hàn gắn hiểu nhầm; "Đóa hoa dâng Bác" kể về hai cô bé người dân tộc ở Tây Nguyên thi đua làm việc tốt để kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ và mơ ước được viếng Lăng Bác. Bộ phim ngợi ca tình cảm kính yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảnh trong phim hoạt hình "Tiếng cồng núi Nưa".
Cùng với hoạt động chiếu phim, tuần phim còn là dịp giao lưu văn hóa, nghệ thuật sâu sắc. Các nghệ sĩ từng vinh dự đảm nhiệm vai Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên đoàn phim "Vầng trăng thơ ấu", "Đào, phở và piano" và phim tài liệu "Những nét vẽ từ trái tim" sẽ có các buổi gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) vào ngày 13/5 và với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Vinh vào ngày 14/5.
Chuỗi hoạt động giao lưu được hy vọng sẽ tạo nên không gian gần gũi, truyền cảm hứng cho người xem với những câu chuyện hậu trường, cảm xúc chân thành của nghệ sĩ khi được hóa thân vào hình tượng Lãnh tụ. Đoàn nghệ sĩ cũng long trọng tổ chức lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Di tích Kim Liên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngành điện ảnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với Người.
Hai sự kiện điện ảnh có vai trò quan trọng trong lan tỏa thông điệp, nâng cao nhận thức xã hội. Ban tổ chức hai đợt phim đã có lời kêu gọi gửi tới các cơ quan báo chí, truyền hình phối hợp tuyên truyền để sự kiện được biết đến rộng rãi hơn. Cả hai sự kiện góp phần nhìn lại chặng đường vẻ vang của dân tộc ta, cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn biết ơn quá khứ, nỗ lực học hỏi và không ngừng vươn lên trong hành trình xây dựng đất nước. Điện ảnh ở góc độ sâu hơn có thể làm sống lại tinh thần dân tộc bằng một cách dễ cảm thụ, dễ tiếp cận, nhất là trong thời đại số hóa.