Rừng thủ tục khiến nhà khoa học phải tìm cách 'nói dối', mất nhiều thời gian

Các đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu, quy định mang nặng tính quản lý hành chính trong nghiên cứu khoa học để thực sự cởi trói cho nhà khoa học…

Sáng 17-2, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Rừng thủ tục khiến nhà khoa học nhiều khi phải nói dối

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chia sẻ các nhà khoa học rất vui mừng khi Đảng có Nghị quyết 57 về cởi trói cho lĩnh vực khoa học công nghệ, và hôm nay Quốc hội bàn việc thể chế hóa chủ trương đó bằng Nghị quyết về chính sách đặc thù, đột phá trong lĩnh vực này.

Đại biểu Cường bày tỏ ông rất đồng tình vì dự thảo Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều nút thắt trong nghiên cứu khoa học hiện nay, như tăng mức hỗ trợ ngân sách, các chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học…

“Trong nghiên cứu khoa học thì chưa thể biết có kết quả hay không, giống như khai thác dầu khí, có khi 10 mũi mới được 1 mũi khoan có dầu. Tuy nhiên, dầu khí còn biết khoan ra sẽ có dầu còn nghiên cứu khoa học thì chưa biết dưới đấy nó là cái gì, do vậy nghiên cứu khoa học còn nhiều rủi ro hơn. Tôi cho rằng đây là lối mở để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu” - ông Cường nói.

Đại biểu cũng ủng hộ cơ chế khoán chi mà dự thảo Nghị quyết đưa ra vì cơ chế này theo ông sẽ giúp cho các nhà khoa học không phải bận tâm các thủ tục hành chính lo hoàn thiện giấy tờ đáp ứng yêu cầu về quản lý.

“Thực chất hiện nay nhiều khi các nhà khoa học phải tìm cách nói dối và thời gian cho làm các thủ tục hành chính còn nhiều hơn là thời gian để nghiên cứu” - ông nói.

Ông đề nghị thêm cần phải bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, như đấu thầu chọn đề tài vì việc này không phù hợp.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

“Điều này sẽ dẫn đến chuyện một đề tài năm nay đấu thầu được đang nghiên cứu dở dang, sang năm không được thì coi như sẽ bị bỏ đi. Vì vậy cần phải chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khoán chi chứ không theo cơ chế đấu thầu” - ông Cường đề nghị.

Ông cũng đề nghị cơ quan nghiên cứu khoa học được lập các doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn để “khắc phục tình trạng nghiên cứu xong bỏ tủ”. Đồng thời, được quyền thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của mình, chuyển giao cho các đơn vị khác nghiên cứu tiếp, hoặc ứng dụng vào thực tiễn.

Đại biểu Cường cũng đề nghị nhà nước nên cấp kinh phí nghiên cứu khoa học cho các tổ công lập theo hình thức đặt hàng với thời hạn dài hơn thay cho hình thức cấp kinh phí như chi thường xuyên hiện nay.

“Nếu cấp kinh phí theo kiểu chi thường xuyên thì chỉ duy trì hoạt động nghiên cứu hàng năm, không đáp ứng được nghiên cứu là phải quá trình lâu dài nhiều năm. Nếu cấp hàng năm, năm sau không được cấp thì hoạt động nghiên cứu đó bị dừng” - ông Cường nói thêm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng ngân sách cấp cho các trường đại học (đơn vị chủ lực trong nghiên cứu khoa học hiện nay) chỉ có 7% là quá thấp. Theo đó, ông đề nghị trong nghị quyết này cần phải nêu rõ chính sách ưu tiên cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học định hướng nghiên cứu, có đào tạo tiến sĩ.

Cần tăng ngân sách đặt hàng sản phẩm khoa học

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cũng tán thành việc bỏ cơ chế đấu thầu để chuyển sang cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Đại biểu Hà phân tích sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, trường đại học cũng như viện nghiên cứu đã sẵn sàng đổi mới và hành động. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn nằm ở hệ thống pháp lý và quy trình hành chính còn chậm trễ.

Cụ thể, cơ chế tài chính thiếu linh hoạt, doanh nghiệp có quỹ nhưng khó giải ngân. Quy trình đấu thầu phức tạp, việc mua sắm công nghệ mất nhiều thời gian. Thủ tục cấp phép lưu hành sản phẩm khoa học còn chậm trễ, quy trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn kéo dài nhiều năm…

Theo đó, đại biểu đề nghị nhà nước cần chuyển từ cơ chế đấu thầu sang cơ chế đặt hàng đối với sản phẩm khoa học công nghệ.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Đồng thời, hàng năm bộ, ngành, địa phương phải ban hành “danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ” để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia, được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công” - đại biểu Hà nói.

Ngoài ra, bà Hà cũng đề nghị bổ sung cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bà ví dụ, một sản phẩm phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ y tế có thể bị yêu cầu vừa đăng ký tại Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Do vậy, cần có quy định một quy trình chung cho các sản phẩm, tránh chồng chéo giữa các bộ, ngành.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/rung-thu-tuc-khien-nha-khoa-hoc-phai-tim-cach-noi-doi-mat-nhieu-thoi-gian-post834612.html