Rừng trồng thay thế trên đất bị lấn chiếm

Tháng 7, khi đất đã no nước, thời điểm thuận lợi nhất để Trạm quản lý bảo vệ rừng Quang Hà, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông triển khai trồng rừng thay thế trên diện tích rừng đã bị lấn chiếm trước đây.

Rừng trồng thay thế trên đất bị

Anh Văn Viết Tiến, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Quang Hà chia sẻ: Trạm có diện tích bị lấn chiếm 404,82 ha. Thực hiện chỉ đạo của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, mùa mưa năm 2021 này, trạm triển khai trồng rừng thay thế trên diện tích 20 ha bị lấn chiếm. Trong đó, 15 ha người dân đã trồng cây điều thì trồng với số lượng 500 cây/ha (400 cây sao và 100 cây thanh trà), 5 ha đất trống trồng 500 cây sao theo đúng quy cách trồng thay thế. Để làm được như vậy, thời gian qua, trạm đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích mục đích, ý nghĩa của việc trồng rừng thay thế trên đất bị lấn chiếm bằng nhiều hình thức như mời họp, vào tận các rẫy người dân đang canh tác gặp gỡ tuyên truyền, vận động cho bà con biết chủ trương của tỉnh về trồng rừng thay thế. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, do bà con không hợp tác, nhưng với sự kiên trì lâu dần đã có nhiều bà con hưởng ứng trồng rừng. Đến nay đã trồng được 15 ha, dự kiến trong tháng 8 này sẽ hoàn thành thêm 5 ha còn lại để hoàn thành kế hoạch cấp trên giao.

Đang tích cực cuốc lỗ trồng xen những cây sao và cây thanh trà trên diện tích đất trồng điều của gia đình, ông Nguyễn Trường Giang, khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh cho biết: Tổng diện tích đất này là 2,3 ha, ông không tự phát và mua lại của người khác đã trồng cây điều từ nhiều năm trước. Qua vận động của Trạm quản lý bảo vệ rừng Quang Hà, ông thống nhất chủ trương trồng rừng thay thế của Nhà nước. Ông đã nhận đủ số lượng cây giống, phân, thuốc trạm cấp và tiến hành trồng. Ở cách rẫy ông Giang khoảng 500 m, vợ chồng ông Lê Văn Du, người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh cũng đang tiến hành trồng cây sao, cây thanh trà xen cây điều của gia đình trên diện tích khoảng 4 sào đã lấn chiếm từ nhiều năm trước. Ông Du cho biết: Tôi trồng xen 2 loại cây này với cây điều cũng thuận lợi cho việc chăm sóc. Khi làm cỏ, bón phân cho cây điều thì tôi cũng làm như vậy với cây sao, cây thanh trà của Nhà nước. Cả 2 bên cùng có lợi nên tôi thống nhất nhận cây giống về trồng.

Theo ông Nguyễn Trí Tâm - Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông: Đơn vị hiện đang quản lý 24.355 ha, trong đó địa phận huyện Tánh Linh 14.700 ha, địa phận huyện Hàm Thuận Nam 9.655 ha. Những năm trước đây, tình trạng người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp, và diện tích đất lâm nghiệp của đơn vị cũng bị lấn chiếm 1.045 ha, trong đó Tánh Linh 976,9 ha, Hàm Thuận Nam 681 ha. Từ năm 2014, đơn vị đã thí điểm lấy xã Gia Huynh là địa phương đầu tiên tiến hành kê khai, kiểm tra thực địa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý, tiếp đó đến xã Đức Thuận, Đức Bình và La Ngâu. Theo đó, tổng diện tích bị lấn chiếm đã được kê khai 976,9 ha/1.075 hộ. Trong đó, đã kiểm tra hiện trường 751,6 ha/859 hộ, hiện còn 225,3 ha/216 hộ chưa kiểm tra hiện trường.

Thực hiện Quyết định 1421/QĐ-UBND tỉnh Bình Thuận ngày 7/7/2021 về phê duyệt phân khai trồng rừng thay thế. Theo phân khai của tỉnh, năm 2021, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông trồng 20 ha rừng thay thế trên diện tích bị lấn chiếm tại lâm phận Trạm quản lý bảo vệ rừng Quang Hà. Theo đó, các loại cây bản địa gồm sao và thanh trà được chọn để trồng rừng thay thế. Trồng theo cơ chế chia sẻ lợi ích phục hồi rừng, lúc cây còn nhỏ bà con trồng xen hoa màu, khi cây lớn hơn bà con trồng cây thuốc dưới tán cây giúp tăng thu nhập. Khi cây lớn sẽ đưa vào dịch vụ chi trả môi trường rừng. Ngoài ra, khi thực hiện trồng bà con còn được hỗ trợ 100% cây giống, công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu. Qua triển khai đã có 20 hộ thống nhất và có đơn thực hiện trồng rừng thay thế trên tổng diện tích 20 ha. Vận động để người dân đồng thuận trồng rừng thay thế đã khó thì việc bảo quản cho cây sống và phát triển xanh tốt về sau càng khó hơn. Vì vậy, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã có kế hoạch chỉ đạo Trạm quản lý bảo vệ rừng Quang Hà phối hợp với các trạm bảo vệ rừng lân cận, lực lượng cơ động thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân chăm sóc, bảo quản cây trồng. Nếu phát hiện có hiện tượng làm cho cây chết hoặc nhổ bỏ thì lập biên bản đề nghị ngành chức năng vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định.

Trồng rừng thay thế là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tái sinh, phục hồi diện tích rừng bị lấn chiếm. Hy vọng với sự quyết tâm cao của lực lượng bảo vệ rừng và sự hưởng ứng của người dân, các diện tích rừng bị lấn chiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông rồi đây sẽ được phủ một màu xanh của rừng trồng thay thế, góp phần tái sinh phục hồi rừng, phục vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngọc Khánh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/rung-trong-thay-the-tren-dat-bi-lan-chiem-140381.html