'Rừng Tướng Giáp' xanh mãi giữa đại ngàn
'Rừng Tướng Giáp' - tên gọi trìu mến mà nhân dân đặt cho khu rừng ở bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) là di tích lịch sử quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Rừng Tướng Giáp” - tên gọi trìu mến mà nhân dân đặt cho khu rừng ở bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) là di tích lịch sử quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Gần 7 thập kỷ trôi qua, cánh rừng ấy vẫn bạt ngàn, xanh tươi, tựa tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy.
Con đường ướt lạnh sương đêm không làm chậm nhịp bước chân "tuần tra" bảo vệ "Rừng Tướng Giáp" của những thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Nhọt 2, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La). Nằm ven quốc lộ, ngay gần bản, nhưng "Rừng Tướng Giáp" với nhiều cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn với thời gian; bởi người dân không ai chặt phá, hay săn bắt thú rừng, mà luôn coi trọng, bảo vệ, vì nơi đây luôn có hình bóng của vị tướng lỗi lạc.
Anh Lò Văn Linh, tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nhọt 2, xã Gia Phù, huyện Phù Yên chia sẻ: " Mỗi tuần chúng tôi tuần tra rừng 1 lần, mang theo dao, liềm đi phát quang đường phòng hộ, phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi rất vinh dự khi khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân ai cũng phấn khởi, chung tay bảo vệ rừng. Tổ cũng trích 10% tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để đóng góp quỹ xây trường học, tường rào, hỗ trợ những hộ khó khăn của bản...".
Câu chuyện về Đại tướng và đoàn quân năm ấy được tái hiện trong câu chuyện của mọi người mỗi chuyến đi tuần rừng. Cách đây gần 70 năm, trên đường hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên chiến trường Điện Biên Phủ để tham gia chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội đã dừng chân, đóng quân tại khu rừng già nguyên sinh bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La).
Án ngữ một vị trí đắc địa, có ý nghĩa chiến lược trên đường 13 (quốc lộ 37 hiện nay), khu rừng bản Nhọt thực sự là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Bởi trong rừng có một khu bằng phẳng, có dòng suối Bùa chảy qua, lớp lớp cây rừng dày đặc che khuất tầm nhìn của máy bay địch đã trở thành “tấm lá chắn” che chở cho đoàn quân.
Những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương, trìu mến như: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Rừng ông Giáp”, “Rừng Tướng Giáp”... cũng bắt nguồn từ đó, để bày tỏ lòng biết ơn của người dân địa phương với công lao to lớn của Đại tướng. Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã tổ chức Lễ khánh thành công trình bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp Khu rừng bản Nhọt.
Từng vinh dự được gặp Đại tướng khi tham gia bảo vệ Đại tướng tại chiến trường Lào những năm 1970 và khi Đại tướng lên thăm Sơn La năm 1977, ông Đinh Công Són, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh bản Nhọt 2, xã Gia Phù, huyện Phù Yên chia sẻ: Gần 30 năm qua, ông rất vinh dự khi được góp sức mình gìn giữ màu xanh cánh rừng Đại tướng và phấn khởi, tự hào khi đón người dân thập phương tới thăm Di tích lịch sử này.
"Chúng tôi có một niềm tự hào là giữ được cánh rừng này, cũng như là giữ được "lá phổi" cho xã Gia Phù nói riêng và huyện Phù Yên nói chung. Đặc biệt, từ khi được xây dựng đền thờ, bà con rất phấn khởi, những ngày lễ tết, bà con đến dâng hương; người dân khắp mọi miền cũng đến đây, khiến chúng tôi thêm vinh dự, tự hào, mong muốn làm sao tôn tạo, bảo vệ khu rừng và đền thờ này", ông nói.
Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại địa phận các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ với diện tích trên 300 ha, trong đó có gần 200 ha rừng phòng hộ được người dân bản Nhọt 1, Nhọt 2 nhiều năm giữ gìn, bảo vệ. Ông Đỗ Văn Trường, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nói: "Đối với khu rừng bản Nhọt, hằng năm Hạt chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với ban quản lý bản tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người dân sống gần "Rừng Tướng Giáp" nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, giúp dân hiểu rõ về lợi ích từ rừng mang lại. Đồng thời, hướng dẫn ban quản lý bản, chủ rừng bản Nhọt xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, ký cam kết trách nhiệm giữa chủ rừng với UBND xã".
Xuân mới gõ cửa cũng là lúc nhiều loại cây, hoa trong khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu khoe sắc, nổi bật giữa đại ngàn. Dưới những tán cổ thụ, tia nắng ban mai xuyên qua kẽ lá, chim ríu rít trên cành khiến cả khu rừng bừng sức sống. Cánh rừng xanh tươi này đã và đang được gìn giữ, bảo vệ bằng tình cảm trân quý nhất của bà con dành cho vị tướng lỗi lạc mang tên Võ Nguyên Giáp./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/rung-tuong-giap-xanh-mai-giua-dai-ngan-post998186.vov