Rượu chuột con là một loại rượu ở Trung Quốc, dùng chuột sơ sinh để ngâm. Người Trung Quốc có câu "một con chuột bằng ba con gà mái" để chỉ tác dụng của loại rượu kinh dị này.
Theo tìm hiểu, rượu chuột ngâm là một loại rượu đặc sản lưu truyền trong dân gian, phụ nữ thôn quê thường uống rượu này để ngăn ngừa phong hàn sau khi sinh, hạn chế bệnh tật.
Người ta cho rằng đem những con chuột đỏ hỏn vừa sinh ra đi ngâm rượu, khi uống sẽ rất bổ, có tác dụng khu phong, bổ huyết, nói chung những người bị phong thấp, thấp khớp đều có thể uống.
Vậy rượu chuột có thực sự bổ dưỡng như vậy hay không? Thực tế các nhà khoa học đã chứng minh chuột bao tử hay các loại bào thai hoặc vật con mới sinh của một số loài vật đều chứa chất đạm cao, giàu sinh tố và khoáng chất.
Chính vì vậy chúng thường được dùng làm thuốc bổ khí, dưỡng huyết, chữa các chứng hư lao, suy nhược, thận hư tinh kém, đau lưng, mỏi gối. Thế nhưng, đến nay, hiệu quả của loại rượu chuột vẫn không được các nhà khoa học công nhận và xác thực.
Những người uống loại rượu chuột này thì quả quyết, chuột được ngâm trong rượu có nồng độ rất cao, ít nhất phải từ 60 độ trở lên. Ngâm chuột trong rượu, protein trong cơ thể chúng sẽ dần dần bị phân hủy thành các axit amin và sau đó hòa tan trong rượu, nhờ đó, người uống dễ dàng hấp thụ hơn.
Được biết, chuột dùng để ngâm rượu phải là chuột mới sinh, bắt buộc dưới 3 ngày tuổi, mắt vẫn nhắm. Theo quan niệm, chuột càng ít tuổi càng bổ dưỡng. Sau khi rửa sơ, những con chuột này sẽ được cho vào bình rồi đổ rượu vào ngâm. Thời gian ngâm rượu từ 3 - 6 tháng, nhìn chung càng lâu càng tốt.
Song, trái với niềm tin của một số người vào tác dụng thần kỳ của rượu chuột, một số bác sĩ tin rằng bản thân chuột không phải là thực phẩm an toàn và mang rất nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và bệnh dịch hạch. Dùng để ngâm rượu, vẫn có khả năng lây mầm bệnh cho con người.
Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột chủ yếu qua đường nước tiểu và chứa trong gan, nội tạng, nên dù chưa bị nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, chuột vẫn có thể mắc từ chuột mẹ.
TS.BS Phạm Bá Tuyến - Phó giám đốc BV Y học cổ truyền (Bộ Công an) từng lên tiếng cảnh báo, không có căn cứ để cho rằng rượu chuột là thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý… Rượu đã là chất độc hại, ảnh hưởng tới gan, thận. Nếu người sử dụng cứ chạy theo phong trào thì không những không được bồi bổ mà còn có tác dụng ngược.
Mời quý độc giả xem video: Tạm giam người vợ dìm chồng chết ngạt vì say rượu. Nguồn: THVL
Kiều Dụ (Theo KK)