Rượu lậu sẽ tràn lan thị trường nếu tăng thuế đồ uống có cồn?
Đây là nhận định đáng chú ý của chuyên gia tại Tọa đàm 'Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn' do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy mới tổ chức.
Không chỉ đánh thuế đơn thuần
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam phát biểu tại tọa đàm cho biết, hiện Việt Nam đã nhận thức được rằng đồ uống có cồn nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe. Như vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên sản phẩm này là cần thiết và đúng đắn. Hơn nữa, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các quốc gia cần tiếp tục lộ trình tăng cường các biện pháp hạn chế tiêu dùng các sản phẩm này.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận những tác động của thuế có mang lại hiệu quả như mong muốn khi giảm tiêu dùng. Để nhìn nhận được vấn đề này phải đánh giá xem rượu bia có co giãn như thế nào với giá cả. Một sản phẩm tiêu dùng mà co giãn cao so với giá cả thì khi tăng thuế lên, giá tăng lên sẽ giảm tiêu dùng xuống. Ngược lại, sản phẩm không co giãn nhiều với giá thì khi tăng thuế chưa chắc đã làm giảm tiêu dùng. Đôi khi sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong hành vi tiêu dùng như trốn thuế.
Ông Cường tin rằng, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia không chỉ dừng lại ở tăng giá sản phẩm mà cần kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nhận thức được về mặt hại của sản phẩm mới có thể đạt được mục tiêu thay đổi được hành vi tiêu dùng. Điều này cũng bởi ở nước ta, rượu bia đã trở thành “văn hóa”, sản phẩm với tính chất như vậy thì độ co giãn của nó với giá cả sẽ không quá cao, thường thì với sự thay đổi về giá một chút sẽ không làm thay đổi tiêu dùng, cũng như có thể dẫn tới những thay đổi trong hành vi.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính nhìn nhận, Thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để đánh vào các loại hàng tiêu thụ đặc biệt khác với tiêu thụ thông thường. Nếu cơ quan quản lý muốn thực sự thay đổi hành vi tiêu dùng một cách quyết liệt thì sẽ ưu tiên đánh thuế cao. Bộ Tài chính cần tính toán đến các yếu tố khác ảnh hưởng như doanh nghiệp, việc làm hay các ngành hàng để đưa ra phương án phù hợp. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn, việc áp dụng mức thuế khởi điểm như thế nào cũng cần cân nhắc. Còn đương nhiên là phải đánh thuế tiêu đặc biệt cao hơn là điều không thể tránh khỏi.
Đánh giá về phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, ông Vũ Sỹ Cường cho biết thêm, ban đầu dự thảo luật đánh thuế hỗn hợp nhưng sau đã chuyển sang đánh thuế theo tỉ lệ. Vị Phó giáo sư nêu ra quan điểm rằng, đánh thuế theo tỉ lệ, nghĩa là giá cao sẽ đánh thuế cao hơn, là không phù hợp với nguyên tắc hành vi. Bởi khi có thu nhập cao lên thì người ta có xu hướng tiêu dùng sản phẩm đắt tiền hơn.
Như vậy việc đánh thuế không theo hỗn hợp mà theo tỉ lệ thì vẫn tiếp tục câu chuyện của những sản phẩm có giá trị thấp tồn tại trên thị trường, những người có thu nhập cao hơn vẫn sẽ sử dụng các sản phẩm có giá trị cao hơn.
Nguy cơ rượu lậu xâm nhập thị trường?
Trong khi đó, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch PwC Việt Nam lại tỏ ra băn khoăn rằng các sản phẩm rượu thủ công, rượu lậu có nguy cơ xâm nhập thị trường.
Bà Vân đưa ra một thực tế rằng, ngành rượu của Việt Nam không phát triển. Rượu là sản phẩm có độ cồn rất cao, phần lớn là nhập khẩu song nhập khẩu chính ngạch để thu được thuế lại rất nhỏ. Đáng nói, rượu thủ công, rượu không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng, không những không thu được thuế nhưng ảnh hưởng sức khỏe rất lớn, lại chiếm thị phần áp đảo.
Đáng chú ý, thị trường rượu phần lớn là thủ công và nhập lậu, do đó càng tăng thuế thì tiêu thụ rượu thủ công và nhập lậu càng lấn sân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe càng lớn.
Còn đối với thị trường thị trường bia, theo Chủ tịch PwC thì đến 99% mặt hàng này sản xuất trong nước và kiểm soát được chất lượng, với ba phân khúc giá và giá bán lẻ bình quân dưới 33.000 đồng/lít, tương ứng khoảng 10.000-11.000 đồng/lon bia. Như vậy, phần lớn là mặt hàng chính ngạch và tỷ lệ làm giả, sản xuất thủ công cũng không lớn, khi tăng giá 5-10% có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng.
Các cơ quan quản lý nên đánh giá ảnh hưởng của bia và rượu đến sức khỏe cũng khác nhau, chứ không nên gộp chung, bởi rượu có nồng độ cồn cao hơn, còn bia có nồng độ cồn chỉ khoảng 5%, có loại hơn chục độ.
Bà Vân tiếp tục phân tích thêm ở góc độ luật pháp, hiện tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định sản phẩm bia theo các mức nồng độ cồn khác nhau (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ và trên 15 độ). Trên thực tế, những sản phẩm bia có độ cồn thấp, ít tác hại đến sức khỏe lại có giá cao nên đôi khi sẽ phải nộp tiền thuế nhiều hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn.
Nếu coi nồng độ cồn là nhân tố gây tác hại và chính sách thuế là một trong những công cụ hữu hiệu để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, điều hướng sử dụng những sản phẩm chất lượng cao, độ cồn thấp để tránh tác hại lên sức khỏe, thì theo bà Vân, nhiều ý kiến đang đề xuất đánh thuế tương đối dựa trên nồng độ cồn với mặt hàng bia, thay vì cào bằng một mức như trước. Được biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%..
Điều này có nghĩa là cần thiết phải chia biểu mức thuế suất khác nhau tương ứng với độ cồn khác nhau, độ cồn càng cao thì thuế suất càng tăng.