Rút bảo hiểm xã hội một lần giảm: Niềm tin của người lao động với chính sách được nâng cao

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng giảm so với năm 2023, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của người lao động với chính sách.

Số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm mạnh

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 4/11/2024, toàn quốc số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 19,365 triệu người, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,281 triệu người, tăng 8,3%, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 2,084 triệu người, tăng 45,8%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,560 triệu người, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, toàn quốc có 78.746 người nhận chế độ hàng tháng; gần 5,5 triệu người nhận hưởng chế độ ốm đau; hơn 1,25 triệu người hưởng chế độ thai sản; hơn 773.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Đặc biệt, toàn quốc có gần 1,1 triệu người nhận bảo hiêm xã hội một lần giảm 7.599 người so với cùng kỳ năm 2023.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn khuyến cáo người lao động cân nhắc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để tiếp tục đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Ảnh: TTXVN

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn khuyến cáo người lao động cân nhắc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để tiếp tục đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Ảnh: TTXVN

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, 10 tháng đầu năm 2024 công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng cao, cùng với số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm mạnh cho thấy niềm tin của người dân, người lao động, doanh nghiệp vào chính sách được nâng cao”- ông Nguyễn Thế Mạnh nhận định.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, điều đó có được do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, tăng quyền lợi người tham gia, gần đây nhất là việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cũng như Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sắp được thông qua trong tháng 11 này. Bên cạnh đó là sự vào cuộc, phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công tác truyền thông về các chính sách ngày càng sâu rộng, bài bản, linh hoạt, đa chiều, hiệu quả…

Tăng tính hấp dẫn của chính sách, khuyến khích người tham gia ở lại hệ thống

Thời gian qua, tại Việt Nam số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao hàng năm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn số người mới tham gia bảo hiểm xã hội. Đáng chú ý đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi lao động, đặc biệt là khoảng từ 30 đến 40 tuổi chiếm khoảng 40%, tiếp đó là nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm khoảng 37,1%.

Lý do khiến người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần đa dạng, từ khó khăn trong cuộc sống khi mất việc làm đến việc thiếu vốn để khởi nghiệp sau khi mất việc. Không chỉ vậy, còn có trường hợp mắc phải bệnh hiểm nghèo, hoặc di cư ra nước ngoài và nhiều lý do khác. Tình trạng này có thể tiếp tục gia tăng do sự quan tâm hơn đến nhu cầu ngắn hạn của lao động trẻ, thay vì nhu cầu hưởng lương hưu trong tương lai.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống an sinh tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Vì vậy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn khuyến cáo người lao động cân nhắc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để tiếp tục đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Đồng thời, nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 cũng đã bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận hiểm xã hội một lần.

Đồng thời, người lao động đã chấm dứt tham gia hiểm xã hội mà có đề nghị thì hưởng hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng hiểm xã hội; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động có thời gian đóng hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Người lao động không hưởng hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-giam-niem-tin-cua-nguoi-lao-dong-voi-chinh-sach-duoc-nang-cao-357836.html