Rút Bảo hiểm xã hội một lần lợi trước mắt, hại lâu dài
Thời gian qua, nhiều người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì mong muốn có khoản tiền trang trải hoặc đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt song không phải ai cũng đạt kết quả như mong muốn… trái lại còn làm ảnh hưởng tới sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Theo thống kê, đến trung tuần tháng 11 năm 2023, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có gần 2.000 người rút BHXH một lần, với số tiền gần 50 tỷ đồng, tăng gần 500 người so với cả năm 2022. Việc rút BHXH một lần là giải pháp tình thế, song sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động vì họ sẽ rất thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống an sinh này.
Rút BHXH một lần có xu hướng tăng và trẻ hóa
Cứ vào thứ 2 đầu tuần, rất đông người ngồi thành hàng ở trụ sở cơ quan BHXH huyện Phù Yên chờ lấy sổ vào làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Trong số họ, có khá nhiều người là lao động thuộc các xã, bản vùng cao của huyện như: Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ và còn khá trẻ. Một số người cho biết, lượng người đến làm thủ tục lấy sổ bảo hiểm đã ít hơn rất nhiều so với những ngày đầu tháng.
Anh Lờ A So (SN 1991), bản Suối Vé, xã Nam Phong cho biết: Tôi đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương được hơn 2 năm nay nhưng do doanh nghiệp cắt giảm lao động nên trở về nhà tính làm công việc nhà nông trước đây. Vì thu nhập giảm sút, không có việc làm, cần tiền lo trang trải cuộc sống cho gia đình nên tôi quyết định rút BHXH một lần, mặc dù biết là bị thiệt thòi nhưng cũng không còn cách nào khác.
Còn anh Vàng A Giàng, bản Suối On, xã Kim Bon năm nay 33 tuổi, đi làm công nhân ở Bình Dương được hơn 1 năm. Do bố mẹ già ở nhà không ai chăm sóc, vợ không có việc làm ổn định, lại có 3 đứa con nhỏ nên anh quyết định nghỉ việc và thanh toán BHXH một lần. Bản thân anh cũng biết là số tiền không được bao nhiêu nhưng xác định không đi làm nữa nên rút tiền về để trang trải cuộc sống gia đình trước mắt.
Trường hợp của anh Lờ A So và anh Vàng A Giàng chỉ là hai trong số rất nhiều lao động của huyện Phù Yên đến làm thủ tục rút BHXH một lần trong thời gian qua.
Bà Hoàng Thị Phương, Phó Giám đốc BHXH huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Tính đến ngày 14/11/2023, huyện Phù Yên có 4.790 người tham gia BHXH bắt buộc, 2.092 người tham gia BHXH tự nguyện. Số lao động rút BHXH một lần đang tăng mạnh những năm gần đây sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hàng nghìn người lao động của huyện đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước lại tiếp tục đối mặt với khó khăn về việc làm khi doanh nghiệp lâm vào cảnh khan hiếm đơn hàng. Tình trạng này đang được dự báo là sẽ kéo dài đến cuối năm 2023.
“Do đó, số lao động bị ảnh hưởng việc làm, mất việc làm sẽ tiếp tục tăng và người lao động rút BHXH một lần cũng sẽ tăng theo. Nếu như năm 2021, có 1.105 người rút BHXH 1 lần, đến năm 2022 số người rút là 1.430 người, còn năm 2023, mới tính đến ngày 14/11 đã có 1.927 người rút BHXH 1 lần. Điều đáng lo ngại là trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhận BHXH một thì phần lớn là người lao động tại các doanh nghiệp và ở độ tuổi trên dưới 30 tuổi”, bà Hương thông tin.
Theo bà Phương, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần, trong đó một phần từ phía đơn vị sử dụng lao động. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động phải nghỉ việc và không ít người trong số đó chưa có cơ hội trở lại làm việc sau 1 năm nên đề nghị hưởng BHXH một lần.
Nguyên nhân quan trọng nữa là đa số người lao động có thu nhập thấp, không ổn định, vì khó khăn cần tiền trang trải cuộc sống; hoặc cần số tiền lớn để xây mới và sửa sang nhà cửa; nữ giới ở nhóm tuổi trẻ đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con và chăm sóc con nhỏ...
Thực tế, tâm lý người lao động e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, dù biết là sẽ thiệt thòi đến lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều lao động nhận thức về tác dụng, ý nghĩa của việc hưởng lương hưu khi tham gia BHXH nhưng do giảm sút thu nhập sau khi mất việc làm, về địa phương chỉ trông chờ vào nương rẫy, đồng ruộng nên không có khả năng đóng tiếp để hưởng an sinh khi về già.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc BHXH huyện Phù Yên cho rằng: Nhiều người rút trợ cấp một lần sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng chính sách chung của Nhà nước về việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, họ tự đánh mất đi quyền an sinh cơ bản của bản thân. Bởi người lao động mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già; mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thêm nữa, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Và cuối cùng, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Trước tình trạng người lao động rút BHXH có xu hướng tăng, cơ quan BHXH huyện Phù Yên đang có nhiều giải pháp tích cực tuyên truyền về những lợi ích và những hệ lụy phải chịu khi người lao động rút BHXH một lần. Thông qua các cuộc họp bản, hội nghị của xã hay ngày Đại đoàn kết toàn dân 18/11, cán bộ BHXH huyện phối hợp với cán bộ xã, bản tuyên truyền đúng và trúng để người lao động cân nhắc thiệt hơn để không rút BHXH một lần và tìm cách khác để xoay sở vượt qua khó khăn tạm thời.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, đã có một số người lao động sau khi rút BHXH một lần lại tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng những lợi ích thiết thực từ chính sách an sinh xã hội.
Chị Hà Thị Lệ (SN 1990) ở bản Bùa Chung 1, xã Tường Phù là một trong số người lao động đã rút BHXH một lần và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Chị Lệ chia sẻ: cách đây hơn 2 năm chị đi làm công nhân ở một công ty dưới xuôi. Vì nghỉ sinh con nên tháng 4/2022 chị làm thủ tục rút BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt với số tiền trên 24 triệu đồng. Sau khi con cứng cáp, chị quyết định nghỉ ở nhà bán hàng để có vừa có thu nhập vừa có thể chăm lo cho gia đình. Khi được cán bộ BHXH huyện tuyên truyền, tháng 7/2022 chị tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện trong vòng 5 năm với mức đóng 16.800.000 đồng.
Theo chị Lệ, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của bản thân, không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Chính vì vậy, mong muốn của chị là sẽ tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi về già và các quyền lợi khác về an sinh xã hội.
Có thể nói, tham gia BHXH không chỉ là bảo vệ cho chính người tham gia, mà còn là sự bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Mục đích cuối cùng của việc tham gia BHXH là khi về già, người lao động có lương hưu, có nguồn thu nhập. Như vậy khi người lao động còn trẻ chọn trợ cấp 1 lần chính là đang sử dụng nguồn tài chính tích lũy cho tương lai trong thời điểm hiện tại. Dẫu có những lý do chính đáng, song nếu người lao động cố gắng thêm một chút thì khi về già sẽ có nguồn thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cái, không phải sống bằng trợ giúp của xã hội, Nhà nước.