Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động khó tiếp cận lương hưu
Lựa chọn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động (NLĐ) không chỉ đối mặt với khó khăn, rủi ro tuổi già mà cả hệ thống chính trị phải trăn trở với bài toán an sinh trong tương lai. Thay vì chọn phương án rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng, khi có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động.
Liên tục rút BHXH một lần
Anh Nguyễn Văn Thao, trú tại xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đã 2 lần quyết định rút BHXH một lần. Lần gần đây nhất, anh nhận được hơn 8 triệu đồng tiền BHXH một lần của hơn 1 năm tham gia BHXH tại một công ty vận tải. “Số tiền này cũng chỉ đủ mua sách vở, đồ dùng học tập cho các con chuẩn bị năm học mới, bởi suốt cả năm trời không có việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định mà chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương công nhân may của vợ nên không đủ trang trải cuộc sống”, anh Thao chia sẻ.
Lần đầu anh Thao rút BHXH một lần là cách đây 5 năm, khi đó anh cũng làm nghề lái xe và có thời gian đóng BHXH được gần 4 năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả hai vợ chồng thất nghiệp, anh Thao quyết định rút BHXH một lần để sống qua ngày. Lúc ấy, số tiền nhận được cũng chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng.
Sau 2 lần rút BHXH một lần với tổng số tiền nhận được hơn 28 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn đối với NLĐ không có việc làm, không có thu nhập, song cũng từ thời điểm này, anh Thao đã rời khỏi lưới an sinh, sau này không có cơ hội nhận lương hưu và tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe.
Cũng đã 2 lần rút BHXH một lần, chị Trần Thu Hà ở phường Xuân Phú, TP. Huế cũng có hoàn cảnh tương tự. Trước đây, chị Hà là công nhân tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đóng BHXH được 12 năm, dịch COVID-19 bùng phát nên cả gia đình trở về Huế. Cuộc sống quá khó khăn lại chưa tìm được việc làm nên sau 1 năm nghỉ việc, chị Hà làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Hai năm sau, chị Hà xin vào làm công nhân may tại Công ty Scavi Huế, lớn tuổi, áp lực công việc khiến chị phải nghỉ việc để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ buôn bán. Do không có vốn kinh doanh nên chị lại quyết định rút BHXH một lần.
Khó tiếp cận lương hưu
Hiện, mỗi ngày có hàng chục lao động đến bộ phận một cửa, BHXH tỉnh để làm thủ tục nhận hưởng BHXH một lần. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận và trước khi đưa ra lý do để rút BHXH một lần, ai cũng đều có lý lẽ riêng. Mặc dù BHXH tỉnh đã bố trí cán bộ tuyên truyền, tư vấn và vận động bảo lưu quá trình đóng BHXH để sau này nhận lương hưu, song số người rút vẫn không thuyên giảm, đồng nghĩa với số người hưởng lương hưu ngày càng ít đi.
Đơn cử, trường hợp của vợ chồng bà Nguyễn Thị Toàn và ông Lê Minh, cùng làm việc tại một siêu thị trên địa bàn TP. Huế. Khoảng 3 năm trước bà Toàn bị bệnh về cột sống, đi lại khó khăn, buộc phải xin nghỉ để trị bệnh. Đến năm 2022, chồng bà bị tai nạn giao thông, xuất viện về nhà nhưng sức khỏe không thể tiếp tục làm việc cũng buộc lòng phải nghỉ việc. Cả hai vợ chồng không có nguồn thu nhập nào nên ông bà đã lần lượt rút BHXH một lần để lo thuốc men, sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp gia đình duy trì được một thời gian. Từ cuối năm 2023, 2 ông bà xin làm nón lá, thu nhập tính theo sản phẩm nên chẳng được bao nhiêu, nhưng mỗi năm cả hai vợ chồng phải chi gần 2 triệu đồng để mua BHYT.
Bà Toàn chia sẻ: “Sức khỏe yếu, nhưng vẫn phải cố gắng làm việc để trang trải các chi phí hằng ngày. Nếu như ngày trước không rút BHXH một lần, thì giờ đây mỗi tháng hai vợ chồng đều có khoản lương hưu để chăm lo tuổi già, được tặng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh”.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, NLĐ nếu rút BHXH một lần thì cơ hội tiếp cận lương hưu rất khó. Song, nhiều người vẫn chấp nhận đánh đổi để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Thực trạng đó khiến số NLĐ nghỉ việc hưởng BHXH một lần ngày càng tăng cao.
Tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có gần 5.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Vì vậy, BHXH tỉnh mong muốn NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần.
Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, sắp tới BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đa dạng, linh hoạt các phương thức truyền thông nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của NLĐ về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Trong đó, nhấn mạnh quyền, lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách BHXH, đặc biệt là lợi ích của lương hưu và tấm thẻ BHYT được phát miễn phí để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian được hưởng lương hưu; những thiệt thòi với NLĐ khi nhận BHXH một lần; các gương “người thật, việc thật” đã từng nhận BHXH một lần, nay có nguyện vọng được nộp lại tiền để được nhận lương hưu hằng tháng hoặc những người đang nhận lương hưu hằng tháng… Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp truyền thông sâu rộng tới NLĐ về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần để họ tiếp tục ở lại lưới an sinh.