Rút BHXH một lần: Hãy để người lao động tự quyết
Luật BHXH nên có khoản thưởng từ 5-7% để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia BHXH trong suốt quá trình lao động, không rút BHXH một lần nào.
Chiều 18-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM tiếp xúc cử tri công nhân lao động và chủ doanh nghiệp (DN) góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Tại chương trình, chị Ngô Thị Mỹ Kha, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM) phản ánh người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần là do họ không có tích lũy. Theo chị Kha, không ai muốn rút một lần, ai cũng muốn nhận được lương hưu. Khi gặp sự cố ngoài ý muốn như: con cái ốm đau, cha mẹ bị bệnh đột xuất, không có tiền để chăm lo… họ nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần. Hiện nay, có nhiều quỹ tín dụng cho NLĐ vay nhưng không có thu nhập ổn định, không có tiền để trả, họ không dám vay.
Theo chị Kha, từ đầu năm đến nay, DN khó khăn, NLĐ có nguy cơ bị mất việc làm. Tìm việc mới ở một DN khác rất khó đối với NLĐ từ 45 tuổi trở lên. Tại các DN dệt may, da giày, tìm được một NLĐ từ 47 đến 55 tuổi rất hiếm. Mất việc khi tuổi đã lớn, không tìm được việc làm, NLĐ càng muốn rút BHXH một lần.
"Rất nhiều NLĐ đang làm việc tại công ty tôi được 18 năm, nếu nghỉ việc, họ được hưởng BHTN hằng tháng là 5 triệu đồng. Sau một năm, họ rút BHXH được 170 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với nhiều NLĐ hiện nay. Với mức lương hiện tại, nếu nhận lương hưu, NLĐ sẽ nhận được khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Nếu họ nghỉ việc và tham gia lại thị trường lao động, 20 năm sau, khi về hưu, họ được hưởng khoảng 4 triệu đồng/tháng, chỉ thấp hơn mức lương hưu cũ là 600.000 đồng nhưng họ có 170 triệu đồng tiền "lãnh một cục". Có thể nói, NLĐ tham gia càng lâu càng thiệt thòi"- chị Mỹ Kha cho hay.
Theo chị Mỹ Kha, phương án nào cũng có điểm bất lợi cho NLĐ. NLĐ mong muốn được tự quyết ở lại hay rút BHXH một lần.
Còn bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) thông tin bất chấp việc kiếm việc làm hiện nay rất khó khăn nhưng nhiều NLĐ vẫn muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH mới thông qua vào năm 2024. Bà Yến cho biết: "Nếu điều đó xảy ra, NLĐ không đi làm sẽ khó khăn cho DN, kể cả Công ty Intel. Việc này này sẽ làm DN xáo trộn, càng khó khăn hơn".
Về 2 phương án rút BHXH một lần, bà Yến chọn phương án 1. Cụ thể, theo phương án này, việc hưởng BHXH một lần sẽ áp dụng với hai nhóm NLĐ khác nhau. Nhóm 1: Đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2: Đối với NLĐ bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) không được nhận một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Vì theo bà Yến, phương án 2 không khả thi. NLĐ khó khăn mới rút BHXH một lần, nếu chỉ được rút 50% sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Nếu NLĐ lãnh lương hưu 50% số tiền còn lại thì lương hưu cũng rất thấp.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐĐ TP HCM, chi biết trong thời gian tới các đơn vị trong tổ chức Công đoàn TP sẽ phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP mở các cuộc góp ý riêng cụ thể, chi tiết cho từng nhóm vấn đề. Các vấn đề vướng mắc, vướng các luật khác sẽ được nêu rõ ràng. Tại các buổi góp ý, cán bộ Công đoàn sẽ nêu cụ thể những vấn đề bất cập khi thương lượng với người sử dụng lao động.
Từ thực tiễn, nguyên tắc đóng hưởng rõ nhất của BHXH, trách nhiệm của Công đoàn tuyên truyền, đấu tranh để NLĐ đóng BHXH theo mức cao hơn, tức đóng theo thu nhập hoặc theo HĐLĐ. Mong muốn lớn nhất của NLĐ hiện nay là lương hưu phải bằng mức sống tối thiểu.
Theo bà Thúy, hầu hết, cán bộ Công đoàn đều đề nghị phương án 1 để NLĐ được áp dụng theo luật cũ, những người mới tham gia vào thị trường lao động áp dụng theo luật mới. Những người chưa đóng đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ được nhận mức trợ cấp hàng tháng.
"Hãy để lương hưu như một cô gái 18, ai cũng muốn tham gia. Luật BHXH nên có khoản thưởng từ 5-7% để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia BHXH suốt quá trình lao động, không rút BHXH một lần nào. Song song đó, Nhà nước nên có các chính sách bảo trợ xã hội khác đi kèm dành cho người tham gia xuyên suốt quá trình cao hơn những người đã rút một lần. Chúng ta nên học theo các nước phát triển, được tham gia BHXH, NLĐ thật sự an tâm. Nếu làm được điều này, tự thân BHXH sẽ tạo được sức hấp dẫn"- bà Thúy cho hay.