Rút khỏi sáng kiến ngũ cốc, Nga nguy cơ gây căng thẳng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ
Quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra toàn cầu thông qua Biển Đen là một canh bạc rủi ro cao của Tổng thống Vladimir Putin. Quyết định này có nguy cơ gây căng thẳng ngoại giao với hai đối tác có ảnh hưởng nhất của Moscow là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những khách hàng mua nhiều ngũ cốc của Ukraine.
Gây áp lực lên đối thủ lẫn đối tác
Động thái rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen (hay còn gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen) của Nga hồi giữa tháng 7 sẽ làm tê liệt hơn nữa nền kinh tế của Ukraine và có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ngũ cốc của Nga nhờ giá cả trên toàn cầu tăng lên cao hơn.
Nhưng rủi ro kèm theo là quyết định đó gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc, nước mua ngũ cốc lớn nhất của Ukraine theo sáng kiến này. Đồng thời, bước đi của Moscow cũng gây căng thẳng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một khách hàng lớn khác của ngũ cốc Ukraine và là bên môi giới cho thỏa thuận này giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái.
Động thái trên của Nga là một phần trong nỗ lực mới của Tổng thống Putin nhằm tung đòn ngoại giao cứng rắn với cả đối thủ và đối tác khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Ngoài việc rút lui khỏi sáng kiến ngũ cốc, Nga còn tiến hành một làn sóng tấn công tên lửa vào các cảng và cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đồng thời đe dọa tấn công các tàu dân sự đi qua biển Đen. Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã di chuyển một tàu chiến vào một hành lang vận chuyển ngũ cốc ở phía nam Biển Đen trong tuần này.
Theo các nhà ngoại giao và nhà phân tích, Tổng thống Putin đã phớt lờ lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để tiếp tục thực hiện sáng kiến ngũ cốc.
Các nhà ngoại giao cho biết, trong những tuần gần đây, ông Erdogan nhiều lần nói sẽ trao đổi với Tổng thống Putin để khôi phục sáng kiến, nhưng cho đến nay, cuộc điện đàm giữa hai bên vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề thông qua nhiều kênh khác để tác động đến Điện Kremlin.
Đến tháng 9, vụ thu hoạch ngũ cốc của Ukraine sẽ làm đầy các nhà kho, gây áp lực lên Tổng thống Erdogan và các nhà lãnh đạo khác để nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc kịp thời.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là một trong số ít những bước đột phá ngoại giao của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhờ sáng kiến này, Ukraine đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc, giúp giảm giá lương thực trên toàn thế giới và giảm bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng đói toàn cầu ngày càng trầm trọng do tác động của chiến tranh.
Việc Nga rút khỏi sáng kiến cũng sẽ gây áp lực lên các nước như Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Ai Cập là đối tác an ninh của Mỹ nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Nga trong thời gian qua bất chấp áp lực từ Washington. Ai Cập đang đối mặt với mức lạm phát lương thực kỷ lục 60% và đồng nội tệ mất giá nhanh, khiến chi phí nhập khẩu trở nên tốn kém hơn. Ai Cập đã cạnh tranh mua ngũ cốc từ Ấn Độ và các nơi khác kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vì trước đây, nước này nhập khẩu hầu hết các loại ngũ cốc từ Nga và Ukraine.
Liên hợp quốc, tổ chức giúp môi giới và giám sát sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cũng như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác đã kêu gọi Nga quay trở lại sáng kiến này.
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi?
Trong bản cập nhật thông tin tình báo hôm 26-7, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sáng kiến ngũ cốc đã giúp bảo vệ khu vực Biển Đen rộng lớn bị kéo vào cuộc xung đột. Nhưng giờ đây, rủi ro đang gia tăng khi Nga rút khỏi sáng kiến và triển khai một tàu chiến nhỏ, Sergey Kotov vào khu vực Biển Đen.
Nga giải thích nước này từ chối gia hạn sáng kiến ngũ cốc trong nỗ lực buộc các nước phương Tây làm nhiều hơn để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga theo các điều khoản của một thỏa thuận riêng mà nước này ký với Liên hợp quốc hồi năm ngoái.
Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây tổn hại cho ngành nông nghiệp của nước này, dù xuất khẩu nông sản của Nga dự kiến đạt kỷ lục trong năm nay.
Các nhà phân tích và ngoại giao cho biết, Nga hủy bỏ sáng kiến ngũ cốc sau khi Tổng thống Erdogan thực hiện một loạt động thái báo hiệu một sự thay đổi mới trong chính sách đối ngoại của ông, rời xa Nga và hướng tới phương Tây.
Ông Erdogan đã khiến Nga tức giận khi quyết định trao trả cho Kyiv một nhóm chỉ huy quân sự Ukraine bị yêu cầu phải lưu trú ở Thổ Nhĩ Kỳ theo các điều khoản trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine hồi năm ngoái. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ dấu hiệu ủng hộ Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu.
“Tôi không nghĩ Tổng thống Putin còn tin tưởng ông Erdogan nhiều như trước đây. Tôi nghĩ rằng phía Nga và đặc biệt là Điện Kremlin đang đặt câu hỏi về cách suy nghĩ của ông Erdogan”, Gulru Gezer, cựu nhà ngoại giao cấp cao từng làm việc ở Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow, nhận định.
Sinan Ulgen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và giám đốc tổ chức tư vấn Edam, có trụ sở tại Istanbul, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phương Tây có thể giúp ích cho nền kinh tế trong nước vốn đang gặp khó khăn. Ulgen nói Tổng thống Erdogan có thể nhận thấy quyền lực của ông Putin đang suy yếu sau cuộc nổi loạn gần đây của nhóm lính đánh thuê của Công ty quân sự tư nhân Wagner ở Nga.
Ông nói thêm: “Chúng ta hiện đang ở một giai đoạn khác trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga khi Tổng thống Erdogan ít cần Tổng thống Putin hơn và ông Putin cần Tổng thống Erdogan nhiều hơn”.
Nga không dễ thay thế Ukraine để cung cấp ngũ cốc cho Trung Quốc
Việc Moscow rút khỏi sáng kiến ngũ cốc cũng gây áp lực lên mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, đối tác quốc tế có ảnh hưởng nhất của Điện Kremlin. Khoảng một phần tư lượng ngũ cốc xuất khẩu qua sáng kiến Biển Đen được chuyển đến Trung Quốc.
Caitlin Welsh, chuyên gia về an ninh lương thực của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nói: “Trung Quốc đang công khai báo hiệu rằng họ rất muốn thấy Nga tiếp tục thực hiện sáng kiến Biển Đen”.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Taras Kachka đã gặp Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Ling Ji ở Bắc Kinh, nơi hai bên thảo luận về việc mở rộng xuất khẩu ngũ cốc.
Hôm 23-7, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đối với an ninh lương thực toàn cầu, và đề nghị các bên tiếp tục thực hiện sáng kiến.
Phía Nga tuyên bố nước này sẽ thay thế bất kỳ sản lượng ngũ cốc nào của Ukraine bị mất mát trên thị trường toàn cầu. Caitlin Welsh cho rằng Nga có đủ dự trữ lúa mì để làm điều đó, nhưng nước này sẽ không thể thay thế một lượng lớn bắp mà Ukraine xuất sang Trung Quốc. Ukraine thường chiếm hơn 1/4 tổng lượng bắp nhập khẩu của Trung Quốc, theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine.
Các cuộc tấn công tên lửa Nga vào các cảng ở Biển Đen của Ukraine trong tuần qua đã đánh trúng và phá hủy một phần trong số 60.000 tấn ngũ cốc đang chuẩn bị được chất lên một con tàu hướng đến Trung Quốc, theo Kernel, công ty xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Ukraine và là bên đã ký hợp đồng bán lô hàng này.
Khoảng một nửa sản lượng ngũ cốc của Ukraine, tương đương khoảng 29 triệu tấn, đã được xuất khẩu qua hành lang Biển Đen trong mùa thu hoạch gần nhất, từ năm 2022 đến 2023, theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine.
Phần còn lại được chia đều giữa các cảng Danube của Ukraine, nơi ngũ cốc được chất lên sà lan và gửi đến các cảng của Romania, và bằng đường bộ qua biên giới với Liên minh châu Âu.
Ukraine sẽ khó có thể thay thế ngũ cốc xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc thông qua các cảng Biển Đen bởi vì các nước khác mà Ukraine đang xuất khẩu ngũ cốc sang, chủ yếu là Ba Lan và Romania, không nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc về mặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay các yếu tố khác.
Theo WSJ