Rút khỏi Vành đai và Con đường: Australia tiên phong 'tạo đà' đối đầu với Trung Quốc?
Australia rút khỏi Vành đai và Con đường không chỉ là việc chấm dứt một thỏa thuận mà còn tạo tiền lệ cho các quốc gia khác tiến hành động thái tương tự nhằm đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.
“Phát súng đầu tiên” của Australia với Trung Quốc
Trung Quốc đã chỉ trích quyết định của Australia khi hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này với chính quyền bang Victoria, đánh dấu một bước lùi mới trong quan hệ 2 nước vốn đã căng thẳng.
Chính quyền liên bang Australia đã hủy bỏ cả bản ghi nhớ và khung thỏa thuận mà bang Victoria và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ký kết, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết trong một thông báo qua email hôm 21/4. Bà Payne nhận định, các thỏa thuận này "không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho các quan hệ đối ngoại của chúng tôi".
Bước đi này là một "động thái khiêu khích và vô lý mà phía Australia tiến hành nhằm chống lại Trung Quốc", Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra phản hồi trong một tuyên bố.
"Điều này sẽ ngày càng cho thấy chính phủ Australia không có thành ý trong việc cải thiện quan hệ Australia - Trung Quốc, gây tổn hại thêm cho quan hệ song phương và sẽ chỉ tự làm tổn hại chính mình".
Australia "về cơ bản đã 'bắn phát súng đầu tiên' với Trung Quốc trong các cuộc xung đột thương mại và đầu tư. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả tương xứng", Chen Hong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Thượng Hải nhận định với Global Times.
Mối quan hệ giữa Australia và đối tác thương mại lớn rơi xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ sau khi tháng 4/2020, Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tiến hành hàng loạt biện pháp đáp trả về thương mại, trong đó việc áp thuế quan lên lúa mạch và rượu vang Australia, đồng thời chặn các chuyến tàu chở than đá của nước này.
"Những gì chúng ta chờ đợi bây giờ là Bắc Kinh sẽ phản ứng một cách thực chất như thế nào trước động thái của Australia”, Clive Hamilton, giáo sư Đại học Charles Sturt nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg.
"Vành đai và Con đường là công cụ chiến lược của Trung Quốc để thúc đẩy ảnh hưởng của nước này trên thế giới", chuyên gia này cho hay.
Quyết định trên của Australia là động thái đầu tiên sau khi Quốc hội nước này thông qua một đạo luật vào tháng 12/2020, theo đó cho phép Ngoại trưởng có quyền chấm dứt các thỏa thuận mới hoặc thỏa thuận đã được ký trước đó giữa các chính phủ nước ngoài với 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia, cũng như với các tổ chức địa phương và các trường đại học. Theo đó, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison có quyền ngăn chặn hoặc kiềm chế sự tham gia của nước ngoài đối với hàng loạt lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, hợp tác văn hóa, khoa học, sức khỏe và giáo dục, trong đó có trao đổi nghiên cứu giữa các trường đại học.
Các thỏa thuận Vành đai và Con đường với bang Victoria - bang có dân số đông thứ hai Australia được ký kết nhằm tăng cường sự tham gia của Trung Quốc với các dự án cơ sở hạ tầng mới tại đây. Các thỏa thuận này cũng từng được ký vào tháng 10/2018 và 1 năm sau đó.
Bà Payne cho biết hôm 21/4 rằng bà cảm thấy cần phải báo động khi hơn 1.000 thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài với các bang và vùng lãnh thổ, các chính quyền địa phương cũng như các trường đại học công đã được ký kết.
Đạo luật mới có thể vẫn cho phép chính quyền liên bang đánh giá và đảo ngược các bản ghi nhớ giữa Bắc Kinh và chính quyền các bang Tây Australia, Nam Australia và Tasmania trong các lĩnh vực từ đầu tư, nghiên cứu khoa học cho tới tiếp cận Nam Cực.
"Tôi sẽ tiếp tục xem xét các thỏa thuận nước ngoài này. Tôi hy vọng phần lớn các thỏa thuận sẽ không bị ảnh hưởng", bà Payne đánh giá.
Mối quan hệ rơi tự do
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã rạn nứt trước đó. Quyết định rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường khiến nỗ lực hàn gắn mối quan hệ này sẽ mất một vài năm nếu không muốn nói là vài thập kỷ.
Thông báo của Ngoại trưởng Payne, trong đó có lệnh cấm với 2 thỏa thuận khác giữa chính quyền bang Victoria với các chính phủ của Iran và Syria, được đưa ra cùng ngày khi một nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng sẽ không có sự tan băng ngay lập tức trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra.
"Chúng tôi chưa làm điều gì một cách có chủ ý để làm tổn hại mối quan hệ này nhưng chúng tôi đã chứng kiến nhiều diễn biến trong những năm qua làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc, phó trưởng đoàn ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra Wang Xining nhận định với báo giới.
Wang Huiyao, một cố vấn chính phủ của Trung Quốc và là nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa đã gọi động thái của Australia là thiếu khôn ngoan.
Sự tham gia của bang Victoria với Sáng kiến Vành đai và Con đường là một "lợi ích to lớn" cho Australia và "nếu họ từ chối điều đó thì việc khôi phục mối quan hệ Trung Quốc - Australia sẽ phải cần nhiều thời gian hơn".
Trong khi đó, Nick Bisley, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Melbourne cho rằng quyết định trên của Australia không mấy gây ngạc nhiên ở hoàn cảnh hiện tại.
Kevin Carrico, giảng viên cấp cấp chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Monash cũng chào đón động thái này khi cho rằng thỏa thuận trên đã mờ ám ngay từ đầu và Bắc Kinh cần phải chịu trách nhiệm sau những động thái của nước này ở Tân Cương.
Tính toán phía sau của Australia
Chính quyền liên bang Australia và các chuyên gia an ninh quốc gia lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng thỏa thuận với bang Victoria như một chiến thắng tuyên truyền để khẳng định rằng chính quyền bang Victoria đang có những bất đồng về chính sách với Trung Quốc của Australia. Họ cũng lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng BRI để khiến các nước nghèo rơi vào "bẫy nợ" cũng như làm giảm ảnh hưởng của Australia trong khu vực.
Theo Hiến pháp Australia, chính quyền liên bang chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng. Các bang chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế và giáo dục nhưng trên thực tế luôn có sự chồng lấn trong các lĩnh vực này.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton năm ngoái đã cáo buộc chính quyền bang Victoria tham gia vào một "chiến dịch tuyên truyền" thay mặt Bắc Kinh sau khi các quan chức Victoria cảnh báo lập trường của Canberra về Trung Quốc đang làm tổn hại đến các nhà xuất khẩu Australia.
Trên thực tế, không có cam kết tài chính nào được đưa ra trong thỏa thuận chủ yếu mang tính biểu tượng này nhưng nó đã gây ra những tranh cãi về chính sách đối ngoại giữa chính quyền bang Victoria và chính quyền liên bang sau hơn 1 năm căng thẳng với Bắc Kinh.
Với Trung Quốc, BRI là dự án toàn cầu lớn nhất với những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD nhằm tăng cường ảnh hưởng và vị thế của nước này trên thế giới.
Các nguồn tin ngoại giao giấu tên ở Canberra cho rằng việc chấm dứt thỏa thuận với Trung Quốc này có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia khác tiến hành các động thái nhằm cân bằng về sức mạnh kinh tế với Trung Quốc trước các tham vọng của Bắc Kinh. Nói cách khác, quyết định trên của Ngoại trưởng Australia không chỉ là chấm dứt một bản ghi nhớ hay một bản thỏa thuận mà là một bước tạo đà cho các nước khác có bước đi tương tự như Canberra./.