Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 12/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là thảo luận việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời xem xét về việc quyết định Ngày bầu cử.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ngày bầu cử dự kiến: Chủ nhật, ngày 15/3/2026

Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo các quy định của pháp luật thì đến ngày 20/7/2026, Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026, Quốc hội khóa XVI, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.

Tuy nhiên, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, hội đồng nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII), sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào chủ nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết.

Để rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội, hội đồng nhân dân với mục tiêu nêu trên, nhưng vẫn có đủ thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình trong công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026).

Trình bày Tờ trình về Ngày bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Căn cứ Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết số 60-NQ/TW; căn cứ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và trên cơ sở tổng kết các cuộc bầu cử gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là chủ nhật, ngày 15/3/2026.

Đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi thuế

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, ngành báo chí hiện đang phải đối mặt suy giảm doanh thu nghiêm trọng, nhất là quảng cáo truyền thống, do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng số. Việc bổ sung báo chí vào diện ưu đãi thuế giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để cơ quan báo chí tiếp tục duy trì nhiệm vụ chính trị-xã hội.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Các đại biểu phân tích: Báo chí là ngành không đơn thuần là kinh doanh mà còn thực hiện chức năng thông tin giáo dục, định hướng dư luận xã hội, phản biện chính sách, giữ vai trò quan trọng trong ổn định chính trị và phát triển văn hóa. Ưu đãi thuế là một hình thức hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước cho hoạt động phục vụ công phù hợp bản chất báo chí cách mạng. Nguồn lực tài chính từ việc giảm thuế có thể được các cơ quan báo chí tái đầu tư cho hạ tầng công nghệ, nâng cấp hệ thống quản trị, số hóa nội dung, đào tạo nhân sự. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng nội dung, khả năng cạnh tranh với truyền thông xã hội và nền tảng xuyên biên giới.

Quy định này phản ánh việc tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như các cơ quan báo chí đã nhiều lần kiến nghị trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhất là trong các buổi góp ý luật, nhiều cơ quan báo chí đề xuất được đối xử công bằng hơn về thuế khi thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội nhưng vẫn phải gánh nặng nghĩa vụ thuế như doanh nghiệp thương mại.

Để tối ưu hóa quy định nêu trên, cần rà soát lại định nghĩa báo chí được hưởng ưu đãi; quy định rõ rằng phạm vi áp dụng chỉ áp dụng với cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động theo Luật Báo chí, tránh bị lợi dụng bởi các tổ chức truyền thông trá hình. Xác định rõ liệu nội dung quảng cáo trên báo điện tử cũng được hưởng ưu đãi này hay không? Gắn ưu đãi với hiệu quả hoạt động xã hội thì cần đưa ra các tiêu chí kiểm soát như tỷ lệ nội dung thông tin chính thống, chất lượng sản phẩm báo chí hoặc việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh miễn, giảm thuế, cần có quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong báo chí, hỗ trợ báo chí đào tạo công nghệ và chuyển đổi số cho các cơ quan nhỏ ở địa phương.

Cần cơ chế phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro

Trong phiên làm việc chiều qua, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân không chỉ liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu là cá nhân, mà còn là nguồn tài nguyên chính để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên hầu hết lĩnh vực thì nguy cơ lộ, mất dữ liệu cá nhân trong quá trình thu thập, chuyển giao, lưu trữ, khai thác, sử dụng ngày càng cao nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng.

Về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, tại Khoản 1, Điều 3 quy định “Dữ liệu cá nhân được xử lý công khai, minh bạch. Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý với nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân và chưa thống nhất với Khoản 5 “Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật”.

“Việc xử lý dữ liệu cá nhân có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, danh dự, uy tín của cá nhân, nếu tất cả phải công khai thì không phù hợp”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) thì cần bổ sung cơ chế phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro và nghĩa vụ xử lý tương ứng. Đại biểu này nhấn mạnh, có những thông tin nếu bị rò rỉ chỉ gây phiền toái nhỏ, nhưng có những loại như: Hồ sơ sức khỏe, dữ liệu sinh trắc học, tín dụng, tôn giáo hay quan điểm chính trị, nếu bị khai thác sai mục đích, có thể gây tổn thất nặng nề, thậm chí không thể khắc phục cho chủ thể dữ liệu.

Hiện dự thảo Luật mới đề cập khái niệm chung về dữ liệu cá nhân cơ bản và nhạy cảm, nhưng chưa xác lập được nguyên tắc điều tiết về: Căn cứ phân loại dữ liệu, mức nghĩa vụ tương ứng với rủi ro và yêu cầu đánh giá tác động xử lý đối với các dữ liệu nhạy cảm.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị bổ sung một điều khoản mới về phân loại và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro, trong đó dữ liệu cá nhân được phân loại thành: Dữ liệu cá nhân cơ bản; dữ liệu cá nhân nhạy cảm; dữ liệu cá nhân đặc biệt nhạy cảm (nếu có).

Việc xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm và đặc biệt nhạy cảm phải tuân thủ các điều kiện: Có mục đích xử lý hợp pháp, chính đáng, không trái đạo đức xã hội; có biện pháp bảo vệ tăng cường, bao gồm mã hóa, kiểm soát truy cập, và lưu trữ riêng biệt. Đồng thời, có đánh giá tác động xử lý dữ liệu trước khi triển khai đối với hệ thống AI, hệ thống ra quyết định tự động hoặc các hệ thống xử lý dữ liệu quy mô lớn.

Cũng trong phiên họp chiều qua, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các đại biểu cơ bản nhất trí về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và hội đồng nhân dân, về dự kiến Ngày bầu cử như các tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/rut-ngan-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-va-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-post879282.html