Rút ngắn thời hạn tố tụng với người chưa thành niên bằng 1/2 người lớn

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định rút ngắn thời hạn tố tụng với người chưa thành niên bằng 1/2 người lớn là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.

Bà Đỗ Thị Việt Hà phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Đỗ Thị Việt Hà phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Theo ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), NCTN được giam giữ trong trại tạm giam riêng sẽ phù hợp với tâm sinh lý NCTN. Đặc biệt, đảm bảo tối đa quyền được học tập, hạn chế tác động tiêu cực của việc giam giữ chung với phạm nhân là người lớn.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng, bà Hà cho rằng, dự thảo luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, đồng thời quy định rõ các trường hợp sẽ khắc phục khó khăn, bất cập trong thực tiễn. Song đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về biện pháp xử lý chuyển hướng với NCTN.

Về rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử với NCTN và tách vụ án hình sự, bà Hà nói rằng, việc dự thảo luật quy định rút ngắn thời hạn tố tụng với NCTN bằng 1/2 người lớn là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN.

Bà Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, việc tách vụ án khi có NCTN phạm tội ra để giải quyết quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo bà Thu, dự thảo Luật khắc phục tồn tại của Bộ luật Hình sự hiện hành, giảm thời hạn tạm giam với người chưa thành niên từ 2/3 so với người trưởng thành bằng 1/2 thời gian tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử là điều cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay.

“Bởi qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan chức năng thấy rằng, NCTN thường đồng phạm với vai trò người giúp sức trong các tội Tổ chức đánh bạc, Đua xe trái phép, hoặc trong một số tội nguy hiểm hơn như Cố ý gây thương tích. Các em phạm tội trong hoàn cảnh bị dụ dỗ, và nhận thức còn hạn chế, dễ bị kích động; phần lớn các em là học sinh trong các trường nghề, phổ thông trung học. Nếu chờ thời gian để điều tra trong vụ án có nhiều người, nhiều đối tượng, thậm chí có đối tượng người nước ngoài, các em sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc khi phải chờ giải quyết xong vụ án trong thời gian dài”-bà Thu nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Bà Nguyễn Thị Thủy phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Trong khi đó dẫn việc tháng 3 vừa qua, Ủy ban Tư pháp khảo sát tại 3 trường giáo dưỡng cả nước. Tại đây, số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, phạm tội, mồi côi chiếm tỷ lệ rất lớn. Tại Đà Nẵng là 42%, Đồng Nai 64%, nhiều cháu 16-17 tuổi nhưng học cả tuần chưa viết nổi họ tên. Nhiều cháu vào trường hơn 9 tháng nhưng không có người thân đến thăm. Nếu không mồ côi cha mẹ, không gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ không gặp phải sai lầm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu quan điểm, những đặc điểm đó đòi hỏi nhà nước khi thiết kế chính sách phải tính toán đầy đủ đặc điểm NCTN, cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến điều kiện phạm tội. Từ đó có chính sách phù hợp.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rut-ngan-thoi-han-to-tung-voi-nguoi-chua-thanh-nien-bang-1-2-nguoi-lon-10283819.html