Rút quyền dừng xe của thanh tra giao thông, nhìn nguy cơ cầu sập mà 'bất lực'
Rút quy định Thanh tra giao thông được dừng xe vi phạm đồng nghĩa với việc lực lượng chức năng dù nhận được tin báo xe đang chở quá tải, quá khổ, có nguy cơ sập cầu…cũng không được dừng xe để xử lý.
Trong dự thảo Luật Đường bộ vừa gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định lực lượng thanh tra giao thông được dừng xe xử phạt vi phạm.
Hiện nay, ngoài lực lượng CSGT, tại điều 86 Luật Giao thông đường bộ quy định thanh tra giao thông có quyền dừng xe trong trường hợp cấp thiết.
Theo đó, một trong những quyền hạn của thanh tra giao thông là thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Quy định này được cụ thể hóa tại Thông tư 02/2014 của Bộ GTVT nêu rõ 4 trường hợp mà thanh tra giao thông được dừng phương tiện gồm: xe có dấu hiệu chở quá tải, xe quá khổ, xe bánh xích lưu thông trên đường, phương tiện đổ đất lên đường bộ hoặc hành lang đường bộ.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ mới đây, cơ quan soạn thảo đã bỏ quy định thẩm quyền dừng xe trên đường bộ của thanh tra đường bộ, chức năng của thanh tra đường bộ sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật thanh tra.
Lý giải việc bỏ đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho biết, để nhằm tránh chồng chéo khi có tới hai lực lượng tham gia dừng phương tiện xử phạt gây phiền hà cho người dân. Thanh tra đường bộ sẽ chỉ kiểm tra tập trung ở đầu nguồn hàng.
Như vậy, lực lượng thanh tra đường bộ sẽ chỉ còn chức năng thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Song song đó, thanh tra đường bộ cũng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với P.V VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đây là vấn đề từng được tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau.
Về nguyên tắc, với một xe đang chạy trên đường bình thường, không có dấu hiệu vi phạm, gây nguy hại, không có phản ánh, báo tin của người dân... thì ngay cả lực lượng CSGT cũng không được dừng.
Tuy nhiên, trường hợp xe bánh xích đang chạy trên đường với tốc độ không nhanh, đang gây ra phá hỏng mặt đường hay những xe quá tải, chạy chậm, phá đường... lại không cho thanh tra giao thông dừng phương tiện xử lý mà để cho chạy, phá đường tiếp thì cũng không ổn.
“Các xe quá tải, chạy chậm, phá đường nếu chờ gọi lực lượng công an có thể mất thời gian lâu, trong khi đoạn đường đó do ngành giao thông quản lý”, ông Tạo nói.
Do đó, ông Tạo cho rằng không nên rút quy định thanh tra giao thông được phép dừng xe. Thay vào đó, cần tách bạch phạm vi, quyền hạn của lực lượng thanh tra giao thông với CSGT trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm tránh chồng lấn.
Điều này cần được quy định rõ trong dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đang được các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến. Trong đó, có thể xem xét quy định những trường hợp xe quá khổ, quá tải, xe bánh xích đi chậm gây phá đường... và việc dừng xe không gây nguy hiểm gì thì có thể cho phép lực lượng thanh tra được thực hiện.
Bày tỏ băn khoăn khi cơ quan soạn thảo rút quy định thanh tra giao thông không được dừng xe để kiểm tra, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam dự báo sẽ “có bất cập” nếu điều này được thực thi.
Bởi trên thực tế, thanh tra giao thông nhận trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng “bớt” thẩm quyền trên sẽ gây khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
“Chẳng hạn quá trình làm nhiệm vụ, thanh tra giao thông nhận được tin báo của người dân hay các cơ quan có liên quan về một xe số xe đang chở quá tải, quá khổ có nguy cơ làm hư hỏng công trình đường bộ, thậm chí là nguy cơ sập cầu… nhưng không được dừng lại để xử lý mà chờ xe di chuyển hết hành trình mới xử phạt thì rất nguy hiểm”,ông Quyền dẫn chứng.
Vì vậy, ông Quyền cho rằng dự luật nên quy định thanh tra giao thông được dừng xe trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
“Quy định như vậy không gây chồng chéo mà đúng chức năng được giao cho lực lượng thanh tra”, ông Quyền nhấn mạnh.