Cục diện Syria trên mặt trận ngoại giao có biến động mạnh mẽ sau khi Israel tuyên bố thỏa thuận giữa họ và Nga về Syria đã bị đình chỉ. Với động thái này có thể dẫn tới những khốc liệt hơn cho chiến trường tại đây.
Trước đó dù Nga có triển khai lưới lửa phòng không nhiều tầng lớp tại Syria, trong số đó có cả hệ thống phòng thủ tối tân S-400, nhưng tuyệt nhiên chúng đều im lặng khi Israel tấn công vào các vị trí của quân chính phủ Syria, đồng minh Nga.
Đã không ít lần giới phân tích cho rằng, Nga đang giúp theo cách họ muốn chứ không phải điều mà Syria cần.
Còn truyền thông Syria thì cho rằng hệ thống đánh chặn S-300 Nga cung cấp là thứ vô dụng nhất tại chiến trường nay, mặt khác họ cũng tố cáo Moscow cố tình làm ngơ trước việc Israel tung hoành trên bầu trời Syria.
Về phía Nga thì giải thích rằng, họ đang cố gắng kiềm chế để tránh cho cục diện chiến trường Syria đi vào sự khốc liệt hơn nếu Israel tham chiến toàn diện.
Giữa Nga và Israel có những thỏa thuận nhất định về Syria, trong đó có việc Moscow "sẽ bỏ qua" việc Israel tấn công các vị trí tại Syria, miễn là phải báo cho họ biết trước, đồng thời cũng không được hủy diệt hệ thống S-300 của Syria.
Tuy vậy, giờ đây khi thỏa thuận này không còn, rất có thể đây là điều kiện tốt để hệ thống S-400 Nga thị uy sau nhiều chỉ trích rằng, hệ thống này "hữu danh vô thực".
Thực chiến là bài kiểm chứng tính năng, hiệu suất một cách xác thực nhất, nó sẽ có sức nặng hơn bất kỳ kiểu quảng bá, hay động thái PR vũ khí nào. Điều này rõ ràng có lợi cho xuất khẩu vũ khí Nga nói riêng và sức mạnh quân đội Nga nói chung.
Xét về lý, Nga hoàn toàn có thể nhắm vào mục tiêu đe dọa quân đội chính phủ của Tổng thống Assad trên lãnh thổ Syria, Moscow có thể viện dẫn rằng họ đang bảo vệ động minh, bởi lẽ sự hiện diện của Nga tại Syria là hợp pháp do được Damascus yêu cầu.
Tuy vậy, S-400 Nga nhắm vào ai và nhắm vào mục tiêu nào sẽ cần được Moscow tính toán thiệt hơn một cách kỹ càng.
Công bằng mà nói, S-400 Triumf là một trong số hệ thống phòng thủ mạnh nhất thế giới hiện nay. Chúng hoàn toàn có thể đe dọa nghiêm trọng các mục tiêu bay.
S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
Hệ thống này được biên chế từ tháng 4-2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. Nga thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, quận quân sự phía Đông và mới nhất là tại bán đảo Crimea.
S-400 Triumf cũng lần đầu tiên được Nga triển khai sang Syria để bảo vệ các căn cứ nước này tại đây, đồng thời Moscow cũng cho biết, ngoài ra chúng cũng sẽ góp phần bảo vệ đồng minh Syria.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.
Cơ cấu chuẩn của một hệ thống S-400 gồm tổ hợp điều khiển 30K6E, trong đó có đài chỉ huy 55K6E với những thiết bị hiện đại như máy tính số, phương tiện truyền dữ liệu, hệ thống trắc địa…, 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không và tổ hợp kỹ thuật 30S6E.
Tất cả được bố trí trên các xe bánh lốp nên di chuyển tương đối dễ dàng và tính cơ động cao. Đồng thời, chúng còn có hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, định hướng và bảo đảm sinh hoạt độc lập.
Toàn bộ hoạt động tác chiến đều được tự động hóa, từ phát lệnh đến phương tiện chiến đấu, điều khiển radar, tiếp nhận và xử lý thông tin từ sở chỉ huy cấp trên và các đài lân cận, đến xác định cự ly và mục tiêu cần tiêu diệt.
Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình chia cắt, S-400 được trang bị cả các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc cùng tháp 40V6MR để nâng cao dàn ăng ten radar đa năng.
S-400 có thể được triển khai chỉ trong 5 phút. Hệ thống này hoạt động hiệu quả gấp đôi hệ thống phòng không trước đây của Nga.
Với sức mạnh như vậy, đâu sẽ là mục tiêu S-400 Nga nhắm tới tại bầu trời Syria? Chắc chắn sẽ không phải là chiến đấu cơ Israel, bởi đây sẽ là hành động đầy phiêu lưu mạo hiểm.
Các chiến đấu cơ với các phi công là tài sản quý của Israel, nếu bị bắn hạ chắc chắn Tel Aviv sẽ có động thái đầy khó lường tại Syria nói riêng và tại khu vực Trung Đông nói chung, đây là điều rất bất lợi cho Nga.
Với lực lượng quân sự hùng hậu, đặc biệt là không quân đứng đầu khu vực, Israel có thể làm được nhiều thứ họ muốn nếu như không bị Nga, Mỹ và cộng đồng quốc tế kìm hãm.
Việc bắn hạ chiến đấu cơ Israel trên bầu trời Syria có thể là cớ để Tel Aviv hành động quyết liệt, đẩy các cuộc xung đột tại Trung Đông rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát. Đây là điều không những Nga mà cộng đồng quốc tế cũng không mong muốn.
Mặt khác, mối quan hệ giữa Nga và Israel vẫn đang có nhiều lợi ích cho cả đôi bên bất chấp việc chính quyền mới của Tel Aviv tỏ ra ít thân thiện hơn với ông Putin. Israel cũng đang giúp Nga nhiều lĩnh vực, cả về quân sự khi giúp quốc gia này phát triển các UAV chiến đấu.
Vì vậy mục tiêu được S-400 Nga nhắm tới trên bầu trời Syria có thể là UAV hoặc các loại tên lửa, hoặc bom thông minh mà Israel dùng để tấn công Syria.
Hiện nay không quân Israel vẫn dùng các loại tên lửa hành trình không đối đất, hoặc bom thông minh được thả từ chiến đấu cơ để không kích các mục tiêu quân đội chính phủ Syria.
Bắn và phá hủy các mục tiêu này sẽ không làm mối quan hệ giữa Nga và Israel quá căng thẳng, mặt khác vừa lấy được tiếng bảo vệ đồng minh Syria, vừa có thể nhân cơ hội quảng bá tính năng thực chiến của S-400. Tuy vậy Moscow có lệnh cho S-400 khai hỏa hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Hiện nay S-400 Triumf vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" cho nghành công nghiệp quốc phòng Nga. Các thương vụ bán hệ thống phòng không này thường đem về cho Moscow hàng tỷ USD. Một khi S-400 thể hiện xuất sắc trong thực chiến, chắc chắn sẽ càng giúp Nga bán được nhiều vũ khí hơn.
Việt Hùng