Đầu tháng 10/ 2018, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng cung cấp tổ hợp S-400. 5 trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không mới nhất tiêu tốn của New Delhi tới 5,43 tỷ USD.
Theo hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên, phía Ấn Độ sẽ nhận được những tổ hợp đầu tiên vào đầu năm 2021. Tuy nhiên tới nay phía Nga vẫn chưa hoàn thiện để bàn giao cho phía đối tác.
Theo chuyên gia quân sự người Nga, ông Polonsky cho rằng sẽ có những trở ngại trong việc chuyển giao S-400 cho Ấn Độ.
Thứ nhất, vấn đề kỹ thuật sẽ là nguyên nhân đầu tiên làm chậm quá trình nhận và chuyển giao các thành phần chiến đấu của S-400.
Thứ hai, Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) sẽ là rào cản lớn khiến Ấn Độ có thể phải xem xét lại thương vụ S-400.
Những thỏa thuận quốc phòng của Ấn Độ với Nga đã nhiều lần bị Mỹ chỉ trích, mặc dù Mỹ vẫn coi New Delhi là đối tác quan trọng ở Nam Á. Ngay năm 2018, Washington nhiều lần hối thúc Ấn Độ hủy bỏ giao dịch lớn nhất trong việc mua S-400 từ Nga.
Về cơ bản đạo luật CAATSA cấm việc Ấn Độ mua S-400 và một số loại vũ khí từ Nga, New Delhi rõ ràng không muốn làm mất lòng một đối tác chiến lược như Mỹ.
Trong bối cảnh xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cần tới sự ủng hộ của Washington trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự giữa đôi bên.
Vì vậy thực tế hiện tại, Ấn Độ đang ở ngã ba đường trong việc lựa chọn tiếp tục thương vụ S-400 và chấp nhận cho Nga trễ tiến độ bàn giao, hay sẽ ngưng thương vụ và quay qua mua các hệ thống vũ khí của Mỹ.
Ấn Độ cũng là đối tác quân sự lâu năm của Moscow. Trong nhiều thập kỷ, kể cả từ thời Liên Xô, Ấn Độ đã mua vũ khí của Liên Xô và sau đó là Nga. Nước này cũng sẽ không từ bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Do đó, Ấn Độ có thể rơi vào hoàn cảnh giống như Thổ Nhĩ Kỳ đã từng gặp sau khi Ankara mua S-400.
Do đó, việc mua S-400 từ Nga có thể làm suy yếu đáng kể quan hệ Ấn Độ - Mỹ, cũng như ảnh hưởng đến việc Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ.
Mỹ có thể từ chối cung cấp một số loại vũ khí cho New Delhi nếu phía Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Mặt khác, nếu New Delhi không muốn lấy các hệ thống S-400 đã đặt mua từ Nga thì Moscow hoàn toàn có thể bán chúng cho một quốc gia Nam Á khác, Pakistan là một trong số đó.
Islamabad cũng quan tâm đến việc xây dựng sức mạnh quân sự của mình trong khi mối quan hệ Pakistan-Mỹ đã rạn nứt từ lâu. Trước đây phần lớn vũ khí Pakistan mua của Mỹ, tuy nhiên gần đây họ đã ngả về phía Trung Quốc để mua trang bị cho quân đội của mình.
Nhưng nếu Pakistan mua lại các hệ thống S-400 từ Nga, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng phòng không của Ấn Độ.
Sự lựa chọn cuối cùng thuộc về New Delhi, các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ phải quyết định cái nào quan trọng hơn đối với họ - quan hệ đối tác với Mỹ để mối đe dọa từ nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc, hay là việc từ bỏ đối tác quân sự chiến lược Nga và hệ thống S-400 có thể tiếp tục rơi vào tay đối thủ để chống lại mình.
Về phía Nga, nếu thương vụ S-400 với Ấn Độ đổ bể, họ không những mất một khoản tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến uy tín về mặt tiến độ trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Ấn Độ hoàn toàn có thể dựa vào điều khoản trễ tiến độ trong hợp đồng để hủy hợp đồng mà không chịu khoản bồi thường cho phía Nga.
S-400 là một hệ thống vũ khí công nghệ cao, phía Nga đã không lường trước được vấn đề phức tạp khi chế tạo số lượng lớn dẫn tới việc bị trễ hẹn bàn giao. Mặt khác những mối đe dọa tiềm tàng từ phía NATO khiến Nga vẫn ưu tiên trang bị trong nước.
S-400 do phòng thiết kế của tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, đây là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy điều khiển.
Nó có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trên không bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
Với những tính năng vượt trội, S-400 được đánh giá là một trong những vũ khí phòng không hàng đầu thế giới.
Ngoài Nga thì Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã biên chế hệ thống phòng không tối tân này. Một số quốc gia khác đang đàm phán với Nga để mua hệ thống phòng không tối tân này.
Nga đang có khoảng 28 trung đoàn S-400, mỗi trung đoàn bao gồm 2 hay 3 tiểu đoàn (4 hệ thống/tiểu đoàn), chủ yếu ở vùng duyên hải và biên cương.
S-400 sẽ đóng vai trò xương sống của hệ thống tên lửa phòng không của Nga cho tới khi hệ thống phòng không S-500 hoàn thiện.
Việt Hùng