S&P 500 ghi nhận tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ giữa tháng Sáu

LCác chỉ số chứng khoán Mỹ phần lớn đều đi lên trong phiên 1/9 và kết thúc tuần với mức tăng khá tốt.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên làm việc tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các chỉ số chứng khoán Mỹ phần lớn đều đi lên trong phiên 1/9 và kết thúc tuần với mức tăng khá tốt, khi chi phối tâm lý của nhà đầu tư là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này.

Theo đó, Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 115,80 điểm (tương đương 0,3%) và đóng cửa ở mức 34.837,71 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 8,11 điểm (0,2%), kết phiên ở mức 4.515,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,15 điểm (0,1%) và đóng phiên ở mức 14.031,81 điểm.

Tính chung trong cả tuần, Dow Jones đã tăng 1,4%, S&P 500 tăng 2,5% và Nasdaq Composite tăng 3,2%. Riêng S&P 500 đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 16/6.

Những diễn biến trên xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tạo thêm 187.000 việc làm trong tháng Tám. Con số này vượt dự báo tăng 170.000 việc làm do các nhà kinh tế đưa ra, nhưng vẫn cho thấy tốc độ tăng việc làm đang chậm lại – điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hoan nghênh trong cuộc chiến hạ nhiệt lạm phát.

Ông Keith Lerner, đồng phụ trách bộ phận đầu tư tại công ty tư vấn tài chính Truist Advisory Services đánh giá rằng báo cáo việc làm ở khu vực phi nông nghiệp cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn khá “vững chắc”, qua đó làm tăng hy vọng về một “cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”. Song vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng Fed đã hoàn thành trọng trách giảm lạm phát thông qua các đợt tăng lãi suất mạnh tay nhằm “hạ nhiệt” nền kinh tế.

Đà đi lên của chứng khoán Mỹ cũng chịu sức ép sau nhận xét của Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester.

Phát biểu tại một hội nghị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Mester cho biết dù đã ghi nhận một số tiến bộ nhưng lạm phát tại Mỹ vẫn còn quá cao.

Theo bà Mester, các quan chức Fed đang cố gắng đánh giá xem liệu mức lãi suất hiện tại có đủ để hạn chế nền kinh tế hay không, cũng như ngân hàng trung ương này sẽ cần duy trì chính sách lãi suất cao trong bao lâu để giữ lạm phát đi xuống.

Sau báo cáo việc làm hôm thứ Sáu, thị trường tiếp tục nhận định Fed có tới 93% khả năng sẽ giữ lãi suất chủ chốt ổn định ở mức 5,25 - 5,5% tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai (4/9) nhân ngày lễ Lao động của nước này.

Giới quan sát nhận định sau một tuần tăng trưởng mạnh mẽ đối với cổ phiếu công nghệ, giới đầu tư có thể sẽ chuyển sang chốt lời và hướng tới các cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ.

Ông Steve Wyett, chiến lược gia về đầu tư tại BOK Financial đánh giá nền kinh tế vẫn đang chịu những tác động từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo ông, nền kinh tế Mỹ đã thể hiện sức dẻo dai “đáng chú ý” khi đối mặt với đợt tăng lãi suất mạnh mẽ kéo dài từ đầu năm 2022 của ngân hàng trung ương. Song phần lớn ảnh hưởng từ chính sách của Fed vẫn còn chưa hiện hữu, khiến ông thận trọng về khả năng thị trường chứng khoán có thể tăng cao hơn bao nhiêu kể từ đây.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường FactSet, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng 17,6% tính từ đầu năm tới nay.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/s-p-500-ghi-nha-n-tua-n-tang-die-m-ma-nh-nha-t-ke-tu-giu-a-tha-ng-sa-u/305083.html