S&P 500 tăng liền 7 phiên, giá dầu 'bốc hơi' hơn 4%

Đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của S&P 500, lần đầu tiên kể từ khi chỉ số có chuỗi 8 phiên tăng vào tháng 11/2021...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/11), nâng chuỗi phiên tăng lên 7 phiên, dài nhất trong gần 2 năm. Trong khi đó, mối lo về triển vọng kinh tế toàn cầu đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, chốt ở mức 4.378,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 13.639,86 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 56,74 điểm, tương đương tăng 0,17%, đạt 34.152,6 điểm.

Đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của S&P 500, lần đầu tiên kể từ khi chỉ số có chuỗi 8 phiên tăng vào tháng 11/2021. Nasdaq đã tăng liền 8 phiên, dài nhất kể từ chuỗi 11 phiên tăng vào tháng 11/2021. Dow Jones cũng tăng 7 phiên liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 7, hãng tin CNBC cho hay.

Động lực cho cho các chỉ số nối dài xu hướng tăng hình thành từ đầu tháng là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm. Cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản, về mức 4,573%.

Lãi suất giảm mang tới hiệu ứng tăng lớn nhất cho giá cổ phiếu công nghệ. Amazon và Salesforce tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu; Apple, Microsoft và Meta Platforms tăng khoảng 1%.

“Khi lợi suất trái phiếu giảm, cổ phiếu tăng trưởng thường là những cổ phiếu tăng mạnh hơn cả”, chiến lược gia Mona Mahajan của Edward Jones nhận định với CNBC, nói thêm rằng việc giá dầu giảm mạnh có thể cũng đóng góp vào tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về lạm phát.

“Xung lực tăng đã xuất hiện từ tuần trước và duy trì trong tuần này. Thị trường vẫn chưa chuyển sang trạng thái tích lũy sau chuỗi phiên tăng vừa rồi”, bà Mahajan nói.

Nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn đang đánh giá xem liệu đợt tăng này có thể kéo dài trong bao lâu, sau khi cả ba chỉ số đã chốt tuần tăng tốt nhất kể từ đầu năm vào tuần trước. Nếu tính từ đầu tháng, Dow Jones đã tăng 3,3%; S&P 500 tăng 4,4%; và Nasdaq tăng 6,1%.

Tuần này không có nhiều thông tin kinh tế Mỹ quan trọng được công bố. Thay vào đó, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell vào ngày thứ Tư và thứ Năm.

Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari hạ thấp kỳ vọng về việc Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất. “Chúng tôi phải đưa lạm phát về 2% sau một khoảng thời gian phù hợp. Rồi nền kinh tế sẽ cho thấy cần mất thời gian bao lâu để đạt được mục tiêu đó. Tôi chưa biết sẽ mất bao lâu”, ông Kashkari nói với hãng tin Bloomberg.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,45 USD/thùng, tương đương giảm 4,3%, còn 77,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,57 USD/thùng, tương đương giảm 4,2% còn 81,61 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 7. Giá dầu giảm sau khi số liệu thống kê từ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu giảm mạnh hơn dự báo - một dấu hiệu về sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức dự báo giảm 3,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp trong bối cảnh lãi suất cao gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc đã cân bằng lại hiệu ứng tăng giá dầu có được trước đó khi Saudi Arabia và Nga quyết định tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác dầu. Hôm Chủ nhật, hai quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này tuyên bố sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu cho tới ít nhất hết năm nay.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sp-500-tang-lien-7-phien-gia-dau-boc-hoi-hon-4.htm