S&P: Triển vọng châu Á-Thái Bình Dương 'nhìn chung vẫn thuận lợi', bất chấp suy thoái ở Trung Quốc
Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 25/9, cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global Ratings cho biết châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng đa dạng, với các nền kinh tế phát triển đang 'hạ cánh nhẹ nhàng' và có mức tăng trưởng thấp nhưng tích cực, trong khi các nền kinh tế thị trường mới nổi 'đã sẵn sàng cho sự mở rộng mạnh mẽ'.
Tuy nhiên, S&P cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục kiềm chế các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô sau thời kỳ suy thoái do tài sản gây ra. Theo đó, giới nghiên cứu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 xuống 4,8% từ mức 5,2% được đưa ra trước đó, và tiếp tục giảm xuống 4,4% từ mức 4,8% vào năm 2024.
“Đối với phần còn lại của khu vực, khả năng phục hồi trong nước đã khiến chúng tôi tăng nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 3,9% và chúng tôi duy trì dụe báo tăng trưởng ở mức 4,4% cho năm 2024”, báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương quý 4/2023: Tăng trưởng kiên cường trong bối cảnh Trung Quốc chậm lại” của S&P nêu rõ.
Theo báo cáo, đà sụt giảm kéo dài của bất động sản Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này. Doanh số bán nhà bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 4, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế, thông qua các mối liên kết ngược với ngành công nghiệp nặng và chuyển tiếp tới các lĩnh vực như đồ gia dụng.
S&P cho biết nhu cầu toàn cầu chậm lại đã đè nặng lên xuất khẩu của khu vực. Tại APAC, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam (không có dữ liệu), tăng trưởng xuất khẩu thực tế so với cùng kỳ năm ngoái đã chậm lại từ 5,9% trong quý I/2023 xuống -2,5 % trong quý II. Đáng chú ý, sự suy giảm đặc biệt rõ rệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, nền kinh tế nội địa của các nước đã cho thấy khả năng phục hồi giữa bối cảnh lãi suất tăng, trong đó hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi đều được hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng ổn định và chịu ít tác động từ sự gia tăng lãi suất hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Báo cáo cho biết, tăng trưởng đầu tư cũng được duy trì với mức tăng trưởng thực tế so với cùng kỳ tăng 1 điểm phần trăm (ppt) lên 4,1% trong quý II/2023 và đà tăng trưởng vẫn tiếp tục tăng ở các thị trường mới nổi.
Cũng theo S&P Global, tăng trưởng trong khu vực APAC nhìn chung vẫn ổn định, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II so với cùng kỳ năm trước đều tăng ở cả các nền kinh tế châu Á phát triển và mới nổi.
Dự báo, Ấn Độ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu khu vực về tăng trưởng, với GDP tăng 4,2% so với quý trước và tăng 7,8% so với một năm trước.
“Nhìn lại, kể từ quý IV năm 2019, tức là trước đai dịch COVID-19, Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 19,6% và 16,9% - cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Đông Nam Á đã hoạt động tương đối tốt kể từ giữa năm 2022, vượt qua các nền kinh tế thị trường phát triển châu Á và cả Mỹ”, báo cáo nêu rõ.
S&P cho rằng, tốc độ tăng trưởng của khu vực trong năm 2023 sẽ yếu hơn so với năm 2022, nhưng triển vọng nhìn chung vẫn thuận lợi.
“Nhìn chung, chúng tôi dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ tăng trưởng 3,9% vào năm 2023, so với dự báo 3,8% được đưa ra trong tháng 6. Chúng tôi duy trì dự báo năm 2024 ở mức 4,4%, nhờ sự cải thiện dần của nhu cầu bên ngoài và các chính sách tiền tệ được nới lỏng”, S&P nói thêm.
“Tuy nhiên, lãi suất cao của Mỹ và rủi ro đối với tăng trưởng vẫn tồn tại, trong khi giá dầu và thực phẩm lại tăng. Sự cảnh giác liên tục vẫn rất quan trọng”, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Ratings khuyến cáo.