Sa mưa, rủ nhau đi bắt ve non

Những năm trước đây, cứ vào tháng 5 tháng 6 dương lịch, khi học sinh vào mùa bãi trường thì cứ y như rằng hoa phượng nở đỏ trời và tiếng ve sầu rả rích như đầy ứ cả không gian. Đến nỗi, hình ành cánh phượng hồng và tiếng ve đã gắn liền với mùa hè xa trường cách bạn, làm xao xuyến bao tâm hồn mới lớn, đi vào bao áng văn thơ, ca khúc sống cùng năm tháng. Nhưng rồi, chỉ khoảng tháng sau, khi phượng hồng còn thưa thớt trên cành thì tiếng ve cũng thưa dần, rồi bặt hẳn. Vậy hàng ngàn, hàng triệu chú ve sầu đồng loạt rời bỏ cuộc vui ca hát trên những cành cây mùa hạ để đi đâu, về đâu?

Thực ra, ve sầu là loài côn trùng đặc hữu của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có chu kỳ sống gắn với chu kỳ thời tiết trong một năm. Những ngày hè oi bức, liên tục cất giọng ca hát (từng con thì nghe rè rè, rỉ rả mà cả đàn lại hợp thành bản hòa tấu lảnh lót, chói tai) trên những ngọn cây chót vót, chính là giai đoạn ve trưởng thành, động dục, thường xuyên phát ra âm thanh trong trẻo, cao vút là nhằm thu hút bạn tình. Sau khi đã giao phối, chúng lại chui xuống đất đẻ trứng, rồi chết đi.

Theo các tài liệu khoa học, trứng ve sầu nằm im dưới lớp đất sâu 20 phân cho tới cả thước trong suốt năm, sáu năm trời. Trời gần đổ mưa, gặp thời tiết nóng ẩm đặc trưng, trứng ve nở thành ấu trùng và chúng cắn hút nhựa trong rễ cây để “lớn nhanh như thổi”. Sa mưa vài đám, lựa trời đêm mát mẻ, bọn ấu trùng ve đồng loạt rủ nhau vạch đất chui lên, chuẩn bị vào giai đoạn trưởng thành, động dục. Và, mùa rủ nhau đi bắt ve non bắt đầu…

Hồi đó, đại đa phần người dân Nam bộ luôn hòa vào thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên mà sống. Mùa nào thức ấy, cái ăn cứ vậy quanh năm có sẵn, ít khi ra chợ cho tốn tiền. Ve non, có người còn gọi là ve sữa, thực chất là nhộng ve, khi chúng lột xác chuyển từ giai đoạn ấu trùng vào giai đoạn ve trưởng thành, mà dấu vết chúng còn để lại là những xác ve gắn chặt vào thân cây, mặc cho mưa gió hàng tháng trời.

Thực ra, khi sử dụng nguồn thực phẩm từ côn trùng, chúng ta cũng ăn khá nhiều loại nhộng như nhộng ong vò vẽ, nhộng tằm… nhưng có lẽ, nhộng ve là loài cao cấp nhất. Bởi vậy, bây giờ ve non, ve sữa là mặt hàng rất được săn lùng trên mạng xã hội với giá năm bảy lần cao hơn giá thịt bò. Ở những nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, muốn ăn món đặc sản này, có khi thực khách phải đặt trước cả tuần lễ…

Thế hệ chúng tôi lớn lên vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Hồi đó, ve sầu cũng như nhiều loại động vật tự nhiên hoang dã khác còn nhiều vô kể. Cứ trời sa mưa vài đám là anh em, bạn bè đồng lứa chúng tôi rủ nhau đi bắt ve non. Dụng cụ “chuyên dùng” cũng vô cùng đơn giản, chỉ với chiếc đèn lồng (một cái lồng thiếc tự chế hình khối chữ nhật, che kín 5 mặt để hướng ánh sáng của ngọn đèn dầu bên trong về một hướng cố định. Bây giờ nghĩ lại, phải chi hồi đó mà có chiếc đèn pin cầm tay hay đèn pin gắn trước trán thì “đã biết bao nhiêu”), một cái thau nhôm đựng sẵn nước muối có độ mặn vừa phải và một cây gậy tre để gặp rắn rít có mà tự vệ…

Thời gian là những đêm tối trời sau cơn mưa chiều, thời tiết mát mẻ (có trăng, ve non ít lên, mà có lên thì ánh đèn lồng nhập nhoạng với ánh trăng cũng khó trông thấy), khoảng 8 giờ tới 10 giờ (sớm quá, ve non lên lai rai; muộn quá, ve non mọc cánh bay mất, ngồi chờ mất công). Địa điểm là những khu vườn hoặc rừng cây có nhiều cổ thụ, gốc to thân lớn mà mùa hè năm trước có nhiều tiếng ve (khi cất tiếng gọi bạn tình, các anh chàng ve đực khỏe mạnh thường chiếm lĩnh những vị trí cao nhất, nhằm tạo lợi thế thu hút. Sau cuộc vui, các chị ve cái liền chui xuống đất ngay phía dưới gốc cây để đẻ trứng, bỏ mặc các anh chàng chết rũ trên cây). Những loại cây mà chúng ưa thích là thân cao, tán rộng, râm mát và vỏ cây xù xì dễ đeo bám. Mà lạ một điều là so với các loại côn trùng khác, ve có thân xác mềm mại, không răng nanh mà lại giấu được trứng dưới lớp đất khá sâu, đừng hy vọng đào bắt được chúng như đào đuông bắt dế.

Khi trời đêm đã dịu mát hẳn, khi những âm thanh do con người tạo ra cũng đã lắng hết, ấu trùng ve bắt đầu vạch đất chui lên. Thoạt nhìn, trông chúng khá giống với hột đậu phộng hơi thon dài, màu nâu gỗ (giúp chúng hóa trang trong môi trường nhiều cây cối) với cặp chân trước to quá khổ và rất sắc bén (đủ giúp chúng vượt qua cả thước đất với biết bao chướng ngại vật).

Như một tập tính đã được lập trình sẵn, vừa lên khỏi mặt đất là ấu trùng ve nhanh chóng bám vào gốc cây, mở hết tốc lực, chạy đua với nhau và chạy đua với thời gian mà bò lên, bò lên nữa. Lúc này, người đi bắt ve non đừng nôn nóng, cứ bình tĩnh chờ thêm một chút. Khi đã lên đến một tầm cao thích hợp, thường khoảng 07, 08 tấc đến 02 thước (rất tiện cho tầm nhìn bọn chúng tôi), ấu trùng ve dừng lại, dùng hai chân trước to và bén như hai cái móc sắt, cố định thân thể vào thân cây, rồi chúng vận hết nội lực gồng mình lên để xé vỏ bọc, rồi lắc lư, lắc lư để đưa thân nhộng ra ngoài. Đây là lúc bọn chúng tôi nhẹ nhàng gỡ từng chú nhộng màu cà phê sữa (giống màu nhộng tằm) rồi nhanh tay cho vào thau nước muối pha sẵn ngay lúc chúng vẫn còn ngọ ngoạy. Chậm một chút sau khi thoát khỏi vỏ ấu trùng, ve non từ màu sữa chuyển sang màu xanh, mọc cánh và cứng vỏ, nhai xảm xì, mất ngon; chậm một chút không kịp thả vào thau nước, nhộng chết đi, nhợt nhạt và mềm rũ, nhai như không nhai, mất ngon.

Mỗi con ve non chỉ lớn bằng mút đũa ăn, vậy mà chỉ với vài giờ ngồi bên cạnh năm ba gốc cây liền kề nhau, mỗi đứa chúng tôi cũng kiếm được cả lít (hồi đó, người ta đong bằng lít chớ chưa ai dùng cân kéo như bây giờ). Thường thì ở những vườn cây ăn trái trên nền đất thịt mát mẻ, ve non xuất hiện nhiều hơn trên vùng đất cát oi ả.

Ve non nhặt được mang về chỉ cần vớt ra khỏi nước muối rồi xả qua hai, ba lần nước lã là hoàn toàn sạch sẽ, còn tươi nguyên, chế biến ngay, ăn liền để giữ nguyên chất lượng và mùi vị. Bởi bản thân ve đã quá ngon nên khâu chế biến càng đơn giản càng hay, càng ít gia vị càng tốt. Đầu tiên, người ta để ve non vừa vớt ra lên chiếc rổ tre cho thật ráo nước, rồi cho vào thau, ướp nhẹ chút bột ngọt, nước mắm và tiêu cho thơm.

Cũng có khá nhiều cách chế biến nhưng bốn món ăn được dân nhậu ưa chuộng là ve non rang lá gừng xắt nhuyễn (sau này có dịp đi Tây Bắc, mới biết ngoài đó người ta rang với lá chanh, rất thơm), ve non xào mướp (hoặc hành cũng được), ve non nấu cháo (cháo gạo đã ngon mà cháo đậu xanh thì… hết ý) và ve non tẩm bột chiên giòn. Dù món nào đi nữa thì cái ngon đặc trưng của ve non là ngọt bùi, béo và thơm, có tác dụng bồi bổ cơ thể, mà đã nếm qua một lần chắc chắn khó ai quên được.

Tuy nhiên, do ve non được mang về khá khuya nên thông thường, người ta phải tìm cách bảo quản cho ngày hôm sau. Bây giờ thì dễ, chỉ cần cho vô hộp kín hoặc hộp xốp rồi đưa vào ngăn mát tủ lạnh chớ hồi xưa các bà nội trợ thường bắc chảo lên bếp lửa lớn cho thật nóng, rồi đổ ụp rổ ve non đã ráo nước vào, sau đó hai tay nắm hai quai chảo xốc vài lượt cho đều, khi nhìn thấy ve non co mình lại, chín sơ lớp vỏ là được, lúc ăn sẽ chế biến kỹ hơn. Một điều lưu ý là, như nhiều món côn trùng thân mềm khác, khi chế biến ve non (khi ướp cũng như khi nấu) tuyệt đối không dùng đũa để xáo trở, vì như vậy thân ve non bị kéo giãn hoặc nát bấy, vừa mất ngon miệng cũng chẳng còn ngon mắt.

Những năm đầu thập niên 2010, rộ lên một số thông tin vài trường hợp ở Xuân Lộc (Đồng Nai), Bình Long (Bình Phước)… ngộ độc do ăn ve non trong khi nhiều vùng miền khác như Tây Nam bộ, Tây Bắc bộ thì không. Bây giờ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh món đặc sản này ngày càng có giá và rất được thực khách nhiều tiền ưa chuộng. Các nghiên cứu đã lý giải rằng, bản thân con ve non không chứa độc tố mà có thể là do chúng hấp thụ các chất độc trong môi trường (đất, nước), trong đó có Dioxine, trong thời gian khi còn là trứng và ấu trùng trong đất.

Mươi năm trước, trong những chuyến thực tế điền dã cho một quyển sách về cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh), tôi còn được anh em địa phương rủ nhau soi đèn bắt ve non dưới những cội măng cụt, sầu riêng xứ vườn. Khuya đó, bạn bè cùng ngồi lại với chai rượu cù lao bên dĩa ve non rang lá gừng, mà nhìn kỹ… lá nhiều hơn ve.

Mùa hè bây giờ đã thưa lắm tiếng ve…

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/sa-mua-ru-nhau-di-bat-ve-non-29483.html